vĐồng tin tức tài chính 365

Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và "cái tát" của VKS

2023-12-29 12:50

Sau 2 ngày xét xử, phiên tòa sơ thẩm Việt Á tại Tòa án Quân sự Thủ đô bước vào thời gian nghị án. Phán quyết dự kiến được đưa ra vào chiều 29/12.

Trong các phiên tranh tụng, phía bị cáo và cơ quan công tố dường như có cùng quan điểm là những người bị đưa ra xét xử không oan. Tuy nhiên, các bị cáo, đặc biệt là Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) đều cho rằng vì bối cảnh dịch bệnh mà buộc phải vi phạm.

"Mối lương duyên" Việt Á - Học viện Quân y

Theo cáo buộc và diễn biến tại phiên tòa, Việt Á và các bị cáo tại Học viện Quân y đã thông đồng, gian dối để doanh nghiệp được "mượn danh" đề tài nghiên cứu của Học viện nghiệm thu sản phẩm kit test, cấp phép sản xuất thương mại.

Yếu tố chủ quan để dẫn đến điều này là Học viện Quân y không có sản phẩm nghiệm thu, và khách quan do đơn vị này không đủ điều kiện về ISO. 

Vì vậy, "lương duyên" Việt Á - Học viện Quân y được kết nối, thông qua sự mai mối của bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).

Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và cái tát của VKS - 1

Bị cáo Phan Quốc Việt tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

Tại tòa, những bị cáo nêu trên khẳng định không có mưu đồ cá nhân, vụ lợi nào trong việc hợp tác này. 

Ông Hùng cho rằng bản thân chỉ kết nối, không gợi ý hay hứa hẹn sẽ nhận tiền từ Việt; Việt khai tham gia vì tự nhận định thời điểm đó Việt Á là công ty hàng đầu về sản xuất kit test.

Theo lời khai của Việt, kể cả không phối hợp với Học viện Quân y, Việt Á cũng đã nghiên cứu sản xuất test Covid-19 ngay khi dịch bùng phát ở Trung Quốc.

"Bị cáo có thể khẳng định vai trò, đóng góp vào thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Á là rất lớn. Việc Việt Á tham gia chống dịch vì trách nhiệm với đất nước, lúc đó đất nước cần kit test của Việt Á", Tổng Giám đốc Việt Á nói.

Điều đáng nói, các bị cáo đều cho rằng, kit test của Việt Á đem lại hiệu quả, chất lượng cao hơn so với sản phẩm của Học viện Quân y nghiên cứu.

"Nếu ở hoàn cảnh như tôi, trước chất lượng 2 loại kit như vậy, mọi người sẽ chọn cái nào, sẽ làm gì?", cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y Hồ Anh Sơn nói tại tòa.

Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và cái tát của VKS - 2

Bị cáo Hồ Anh Sơn tại phiên xét xử ngày 28/12 (Ảnh: Nam Anh).

Còn, Việt khẳng định "chỉ Việt Á có kit xét nghiệm", kể cả sau này có đơn vị khác làm nhưng cũng không thể sánh được với chất lượng test của Việt Á. 

"Cả nước cần Việt Á về kit xét nghiệm, chống dịch", bị cáo Việt phân trần và cho rằng, bản thân đầu tư hàng trăm tỷ đồng, cùng nhiều con người xông pha vào giữa dịch bệnh.

Từ những yếu tố trên, kết hợp với bối cảnh dịch bệnh, các bị cáo cho rằng họ không còn lựa chọn nào khác.

"Một ngàn lần lặp lại và biết kết quả như hôm nay bị cáo vẫn làm. Bị cáo tin tưởng rằng trong bối cảnh đó những người khác chắc chắn cũng sẽ làm", Phan Quốc Việt giãi bày tại bục khai báo.

Động cơ vụ lợi rõ ràng

Trước những lý lẽ nêu trên của các bị cáo, cơ quan công tố đã có những quan điểm phản biện, đối đáp lại.

Đầu tiên, với phủ nhận không có động cơ vụ lợi, đại diện VKS chỉ ra việc cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y Hồ Anh Sơn đã nhờ nhiều nhà khoa học đứng tên dù không thực hiện nghiên cứu, để nhận 2,8 tỷ đồng được giao để nghiên cứu đề tài; còn Việt Á tham gia vào đề tài nghiên cứu của Học viện Quân y mục đích để được lưu hành, cấp phép sản phẩm.

Còn việc ông Hồ Anh Sơn tự đặt câu hỏi "phải làm gì?", đại diện Viện kiểm sát cho biết, là một nhà quản lý, bị cáo phải có trách nhiệm xem xét và đánh giá mình có tự làm được hay không đối với việc đề xuất đề tài nghiên cứu kit test.

Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và cái tát của VKS - 3

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư (Ảnh: Nguyễn Hải).

Chính vì vậy, khi nhận lời với Bộ Khoa học và Công nghệ trong một tháng phải có sản phẩm, bản thân bị cáo phải có trách nhiệm về việc thực hiện được nội dung này hay không để nhận lời.

"Như vậy là mục đích các bị cáo vụ lợi rất rõ, nghiên cứu hay không nghiên cứu, các bị cáo cũng đã lấy số tiền hơn 18 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước", đại diện VKS đối đáp.

Về những quan điểm cho rằng "các bị cáo phạm tội trong trường hợp vượt quá tình thế cấp thiết, trong phòng chống dịch không có lựa chọn nào khác, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên...", VKS cho rằng việc mua bán kit test giữa Công ty Việt Á và Học viện Quân y phục vụ cho việc phòng chống dịch diễn ra với rất nhiều hợp đồng, trong thời gian dài nên không còn là tình thế cấp thiết.

Lời nói sau cùng

Được cho nói lời sau cùng, các bị cáo hầu hết nhận trách nhiệm và xin HĐXX cho hưởng khoan hồng.

"Sai phạm của bị cáo là vô tình mắc phải chứ không cố tình", ông Trịnh Thanh Hùng nói và kính mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để có thể sớm trở về với gia đình chăm sóc mẹ già đau ốm.

Cựu Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y Hồ Anh Sơn cho hay, bản thân từng được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì sai phạm mà bị khai trừ và "mất rồi mới thấy tiếc".

Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và cái tát của VKS - 4

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng tại phiên tòa (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Bị cáo cũng từng được mặc quân phục, với 30 năm công tác đầy tự hào. Tuy nhiên, những sai phạm của bị cáo đã ảnh hưởng tới lực lượng quân đội, nhất là Học viện Quân y", ông Sơn trình bày.

Cựu thượng tá quân đội nhắn nhủ đến những đồng nghiệp trước đây, hãy giữ nguyên nhiệt huyết nghiên cứu, không vì thấy bị cáo vướng lao lý mà có những tâm tư, suy nghĩ và trước những việc lớn, không nên so đo, tính toán nhiều.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt mong tòa xem xét công trạng của mình và bối cảnh phạm tội, "hoàn toàn vì lợi ích chung của đất nước" và xem xét giá trị của kit Việt Á trong dịch bệnh để cho bị cáo mức án thấp.

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) mức án 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh trên, bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 11-13 năm tù.

Về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiệu (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng trang bị Vật tư Học viện Quân y) mức án 7-8 năm tù; bị cáo Ngô Anh Tuấn (cựu Thiếu tá, cựu Trưởng phòng Tài chính Học viện Quân y) 3-5 năm tù; bị cáo Lê Trường Minh (cựu Thiếu tá, cựu Trưởng ban Hóa dược, Học viện Quân y) mức án 6-7 năm tù; bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) 6-7 năm tù.

Riêng Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt được đề nghị là 25-26 năm tù.

Xem thêm: mth.61202724092213202-skv-auc-tat-iac-av-teiv-couq-nahp-auc-el-yl-a-teiv-ux-tex-yk-tahn/taul-pahp/nv.moc.irtnad

Comments:0 | Tags:Pháp luật

“Nhật ký xét xử Việt Á: Lý lẽ của Phan Quốc Việt và "cái tát" của VKS”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools