Lúa trời nên được, mất do… trời
Từ Hội An vào TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thỉnh thoảng ven đường lại thấy từng đám lúa xanh mướt mọc lên bên những dãy nhà cao tầng, cạnh các sân golf, dân địa phương gọi là lúa trời.
Nhiều người thường xuyên qua lại trên tuyến đường này không khỏi ngạc nhiên vì trước đó chỉ thấy một màu bạc trắng của cát, đất hoang.
Ông Nguyễn Trường Sơn (thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa) chăm 2 sào lúa ở dọc đường Võ Chí Công, giáp ranh TP Hội An với huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Khoảnh đất của ông đa phần đã nằm trong vùng giải tỏa xây dựng khu du lịch Nam Hội An. Tuy nhiên một số nơi chưa triển khai hết, nên ông tranh thủ cày cuốc để trồng lúa, khoai.
Ông Sơn năm nay 71 tuổi, con cái đã ổn định và ra cửa nhà riêng. Khu đất của ông trước đây là nguồn sống chính của bà con trong thôn, khi dự án tới thì đất được giao lại cho doanh nghiệp.
Khi thấy đất bị bỏ hoang nhiều năm, một số người thấy tiếc đất nên ra cày xới lại để trồng cây. Phổ biến nhất là lúa trời, hay còn gọi là lúa khô.
Theo ông Sơn, lúa trời được trồng trong mùa khô kiệt trên cát bỏng, mặt ruộng khô rang như đất trồng đậu, trồng mè.
"Cứ tới tháng 7 âm lịch trở đi là bà con bắt đầu gieo hạt xuống. Mình gieo vậy chứ thực ra cũng chẳng có nhiều hy vọng, cơ may có thu hoạch là 50/50 à!" - ông Sơn nói.
Lúa trời giúp nông dân lúc khó khăn
Nhiều khách du lịch khi tới phố cổ Hội An, đi dọc biển hướng vào Núi Thành, TP Tam Kỳ thì ngạc nhiên khi được hướng dẫn viên chỉ những đám lúa trời nằm rải rác quanh các dự án du lịch sang trọng.
Nhìn từ xa rất dễ nhầm những đám màu xanh này là ruộng cỏ được ươm trồng để đưa vào làm sân vườn tại các khu du lịch.
Kiểu canh tác lúa dựa vào may rủi của mùa thời tiết thất thường nhất năm tại miền Trung được duy trì khá nhiều ở dọc làng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam…
Lúa trồng lên vào mùa khắc nghiệt, nên người dân phải canh từng xô nước để tưới cho lúa đẻ nhánh. Dù cực nhọc nhưng năng suất chỉ bằng 1/3 so với lúa nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh (xã Duy Hải) cho biết đang làm nhân viên chăm vệt cây xanh dọc đại lộ Võ Chí Công cho khu du lịch Hoianna. Do công việc bị cắt giảm nên bà và chồng nhận thêm đất thuộc vùng giải tỏa để trồng lúa trời.
"Phải "chân biển chân đồng" như thế này mới không bị đói. Chừng chục năm nay đất dọc biển bị giải tỏa nhiều để làm du lịch, dự án không làm nên đất cứ bỏ trống. Nhiều người như tui thấy tiếc đất nên tranh thủ làm kiếm thêm bao gạo" - bà Anh nói.
Những ngôi làng dọc biển ở hướng Duy Xuyên, Thăng Bình… dân lần lượt phải phá dời để nhường đất cho dự án, họ ra thành phố kiếm việc làm. Mấy năm nay khi công việc khó khăn do du lịch đình trệ, nhiều người quay về lại ruộng vườn để cày xới.
"Mỗi ngày tui đi làm công cũng được chừng 200.000 - 300.000 đồng, đủ mua hai bao gạo. Nhưng trồng lúa trời thì làm cả nửa năm mà tính ra cũng chẳng bao nhiêu. Dù vậy, thấy đất bỏ hoang vẫn cứ muốn làm" - bà Anh nói.
Làm nông trên vùng giải tỏa
Lãnh đạo các xã dọc biển như Duy Hải, Bình Dương, Duy Nghĩa, Bình Minh (Quảng Nam)… nói rằng những đám lúa trời tưởng chừng như "tuyệt chủng" nhưng gần đây lại được bà con cho "hồi sinh" nhiều, đặc biệt là ở những vùng đất đã giải tỏa.
Không phải tất cả người dân làm lúa vào mùa khô kiệt đều vì mưu sinh. Hiện ở các ngôi làng dọc biển số người già rất nhiều, con cái đa phần ra thành phố lập nghiệp. Họ bám lại làng quê và vẫn giữ lại đám ruộng để tìm niềm vui.
Cần biết - Bạn sẽ rất thích thú khi bắt gặp một chiếc xuồng bé bé chở đầy lúa trời vừa gặt, mùi rạ thoang thoảng tạo ra hương vị của quê hương, níu giữ người đi, ấm lòng người ở lại.