Tiếp cận công nghệ tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế
Từ đầu năm nay, Việt Nam liên tục trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế từ Charlie Puth, Westlife, Kenny G đến dàn nghệ sĩ K-pop nổi tiếng như BLACKPINK, Super Junior. Nhiều buổi diễn âm nhạc của các ngôi sao đình đám thế giới tới biểu diễn trong năm nay giúp Việt Nam dần có tên trên bản đồ bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp thế giới.
Thành công của các show diễn này phần nào cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng hơn trong việc chào đón các ngôi sao quốc tế hàng đầu tới biểu diễn, bước đầu xây dựng nền tảng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp âm nhạc - một lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Khi đến Vệt Nam, Maroon 5 với trưởng nhóm là danh ca Adam Levine đã thể hiện trọn bộ 11 bài hát đình đám trong 75 phút như Sugar, Girls Like You, One More Night, Memories...
Nhạc sỹ, Ca sỹ Adamlevine - Trưởng nhóm nhạc Maroon 5, Mỹ cho biết: "Lần đầu tiên tới Việt Nam - đất nước tuyệt đẹp. Tôi rất vui và tự hào khi được hát trước các bạn. Tôi hứa sẽ quay trở lại".
Maroon 5 là một trong những nhóm nhạc có lượng đĩa nhạc bán chạy nhất mọi thời đại, 15 ca khúc lọt vào bảng xếp hạng Bilboard, chủ nhân của 3 tượng vàng Grammy. Màn trình diễn đã mang đến những trải nghiệm âm nhạc hoàn hảo cho cả khán giả và các nghệ sĩ.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu cho biết, Maroon 5 đưa ra yêu cầu cao trong khâu dàn dựng thiết kế sân khấu. 16 tấn thiết bị âm thanh, trong đó 5 tấn nhập khẩu từ Mỹ; 2 hệ thống điều khiển ánh sáng đẳng cấp thế giới; 2 hệ thống xử lý hình ảnh duy nhất tại Việt Nam… được đầu tư bài bản, tỉ mỉ mới có thể đáp ứng được yêu cầu trình diễn của ngôi sao hàng đầu thế giới.
Với quy mô và sự đầu tư hoành tráng, đây có thể được xem là dấu ấn đáng nhớ nhất của nền công nghiệp giải trí của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023, trở thành mốc son khẳng định sự vươn tầm của các nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam khi tổ chức lễ hội âm nhạc quốc tế tầm cỡ thế giới đầu tiên "made in Việt Nam".
Đêm nhạc của Maroon 5 đã thu hút 12.000 khán giả, đánh thức thành phố không ngủ tại Phú Quốc.
Thách thức phát triển công nghiệp âm nhạc
Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tầng lớp trung lưu sẽ tăng lên đến 26% sau 3 năm nữa. Việc khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ bỏ ra vài triệu đồng để mua vé thưởng thức cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một ví dụ từ Show diễn BLACKPINK tại Hà Nội. Ban nhạc nữ này đã thu hút gần 70.000 khán giả Việt Nam, thu hơn 333 tỷ đồng tiền vé, cao gấp 3 lần show diễn ở Hàn Quốc.
Dư địa phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam là rất lớn. Để ngành này thật sự "hái ra tiền", cần nhìn thẳng vào những vướng mắc, đặc biệt là những nút thắt về hạ tầng và chuỗi cung ứng các dịch vụ một cách chuyên nghiệp.
Đêm nhạc Westlife tại TP Hồ Chí Minh đã có những điểm trừ đáng tiếc trong khâu tổ chức khi khán giả bức xúc về nạn phe vé. Những bất cập về ghế ngồi tại sân vận động, lều bạt che khuất tầm nhìn, sắp xếp chỗ ngồi không hợp lý khiến nhiều khán giả bỏ 4 triệu đồng mua giá vé cao nhất nhưng lại được xếp ghế ngồi ngoài rìa, tầm nhìn hạn chế. Việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp sẽ khiến những sự kiện âm nhạc không trọn vẹn cảm xúc cho khán giả.
Ngoài tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, hạ tầng cũng là một rào cản với nhiều nhà tổ chức khi muốn mời các ca sĩ lớn tới Việt Nam trình diễn. Nghệ sỹ muốn đến, khán giả muốn xem nhưng địa điểm tổ chức lại hạn chế. Một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho nghệ thuật biểu diễn đẳng cấp từ địa điểm biểu diễn, lưu trú, dịch vụ vẫn đang được các nhà tổ chức, sản xuất sự kiện âm nhạc mong chờ.
Năng lực tổ chức, sức hấp dẫn của Việt Nam với sự kiện mang tính quốc tế vẫn đang cần được chứng minh thêm. Để rút ngắn hoảng cách với tiêu chuẩn quốc tế cần những chiến lược, tầm nhìn và quyết sách mang tính tổng thể. Nếu không phải chờ khá lâu nữa, sự kiện giải trí mang tính đột biến như đêm nhạc của BLACKPINK mới quay lại.
Tại Hàn Quốc, với 1 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm âm nhạc sẽ thúc đẩy thêm 2 tỷ USD nữa về các sản phẩm liên quan, từ thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn…
Các chuyên gia cho rằng, để tạo đà phát triển công nghiệp âm nhạc, cần hiện thực hóa các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp âm nhạc và nhìn nhận các sự kiện âm nhạc như một đòn bẩy kinh tế cho các địa phương, không đơn thuần là những chương trình văn nghệ quy mô lớn.
Công nghiệp âm nhạc cần "đòn bẩy"
Trên thực tế, âm nhạc cũng được nhiều thành phố, địa phương lựa chọn là "thế mạnh sáng tạo", góp phần vào quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đơn cử là Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió Mùa, được coi là một trong những hoạt động chiến lược nhằm triển khai Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 của Hà Nội.
Âm nhạc quốc tế Gió Mùa được xây dựng trở thành thương hiệu của Hà Nội. Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô cũng được TP Hồ Chí Minh tổ chức thường niên, thu hút nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Năm nay, UNESCO ghi danh TP Đà Lạt vào mạng lưới các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc.
Tuy nhiên, cần có chiến lược và tầm nhìn dài hạn không chỉ của các cơ quan quản lý, mà cả người làm nghệ thuật để từ đó âm nhạc nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung có thể phát triển, xây dựng thương hiệu địa phương, cùng với những lợi ích to lớn về kinh tế trong tương lai.
VTV.vn - Theo kế hoạch, show diễn Born Pink của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.53971937192213202-et-hnik-yab-nod-tom-uhn-nol-cahn-ma-neik-us-cac-ed-ig-mal/et-hnik/nv.vtv