Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 - 1-1-2024), ngày 29-12, tại TP Huế, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội thảo khoa học Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tài đức vẹn toàn, hết lòng vì đồng bào, đồng chí. Ở cương vị công tác nào Đại tướng cũng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân.
“Hội thảo là dịp để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến, có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng” - Thượng tướng nói.
Cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là cuộc đời cách mạng sôi nổi và liên tục, với nhiều cống hiến xuất sắc. Đó là di sản tinh thần quý báu của Đảng, Quân đội và dân tộc Việt Nam. Việc nghiên cứu, lưu giữ, vận dụng và phát huy những di sản tinh thần quý báu đó trong giai đoạn cách mạng hiện nay là hết sức cần thiết.
Thượng tướng TRỊNH VĂN QUYẾT, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cấp ủy Đảng, bộ, ban ngành Trung ương đến địa phương, nhất là tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng. Tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ và tự hào về nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương người cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam; người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên-Huế.
Vị tướng du kích tài ba
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh tên tuổi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn liền với những mốc son chói lọi, những thời điểm cam go, ác liệt nhất của cách mạng Việt Nam.
Theo Thượng tướng Quyết, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên.
Trên cương vị này, Đại tướng đã vận dụng sáng tạo chiến tranh nhân dân vào thực tiễn, từng bước khôi phục và giữ vững Mặt trận Huế, phát triển mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên khói lửa.
Đến những năm 1948-1950, Đại tướng được giao đảm trách cương vị bí thư Liên khu ủy 4 và đã cùng Liên khu ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân liên khu giành thắng lợi. Với những đóng góp xuất sắc và to lớn đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”.
Không chỉ là vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng còn được đồng chí gọi bằng cái tên trìu mến là “Đại tướng của nông dân”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), Đảng đã xác định mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với miền Bắc mà còn tác động tới cách mạng cả nước.
Giai đoạn 1961-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được giao làm trưởng Ban Công tác nông thôn Trung ương. Với tinh thần “bám đội, lội đồng”, Đại tướng đã gắn bó với nông dân, có mặt ở các hợp tác xã, các nông trường... cùng với Đảng đưa nông nghiệp, nông thôn miền Bắc phát triển, trở thành hậu phương vững chắc.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế).
Năm 1933-1934, Nguyễn Vịnh sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhanh chóng trưởng thành. Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Ông được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1959.
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, ông đã được Đảng giao nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, bí thư Liên khu ủy 4, ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II và khóa III), chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, phó bí thư Tổng Quân ủy, trưởng Ban Công tác nông thôn Trung ương, bí thư Trung ương Cục miền Nam, bí thư Quân ủy Miền, chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tên của Đại tướng đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học… ở nhiều địa phương trên cả nước.
Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí ThanhLENS
(PLO)- Người dân và du khách đến tham quan khu di tích Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (1-1-1914 - 1-1-2024).