Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu do TS Nguyễn Thị Bích Yến - một Việt kiều Áo - sáng lập là một trong những nỗ lực lớn góp phần vào sứ mệnh giữ gìn, tôn vinh giá trị Việt, để mỗi người Việt dù ở đâu cũng tự hào về nguồn cội của mình.
Những kỷ niệm không quên
"Lúc mới đề xuất ý tưởng, nghe những ý kiến bàn lùi, tôi lo lắng, sợ dự án khó khả thi. Tôi đã gặp được những người chia sẻ và ủng hộ. Từ sâu thẳm trong lòng, tôi luôn tin nếu thực tâm mong muốn làm điều tốt, có ích cho mọi người thì tổ tiên sẽ phù hộ", chị Yến chia sẻ.
Chị Yến nhớ hồi đầu 2019 khi nhóm điều hành dự án chia nhau đến bốn nước châu Á và Âu tổ chức lễ giỗ Tổ và an vị tượng Vua Hùng, lãnh đạo một nước bảo rằng "vua của chúng tôi còn chưa được như thế, anh chị mang tượng vua nước Việt sang đây đặt ở chỗ chúng tôi thì sao được".
"Nói chuyện với các nhà lãnh đạo, kiều bào ở đó rất lâu và khá căng thẳng, thậm chí họ còn đập bàn, bỏ ra ngoài. Sau giờ giải lao, tôi cũng nói với họ về mục đích sự kiện thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, không chỉ tôn vinh văn hóa Việt mà còn giao lưu, tôn vinh văn hóa và phẩm hạnh nước sở tại... Cuối cùng chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận từ nước bạn", chị chia sẻ.
Một lần khác, cũng năm 2019, khi sang Đức tổ chức lễ giỗ Tổ, lúc ra chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin, chị trông thấy cuốn thơ rách và ố vàng.
Hỏi thăm thì biết đó là tập thơ của cha chị bán hàng và ông đã mất. Nghe vậy, chị Yến mời chị bán hàng tới dự ngày giỗ Tổ và chia sẻ những bài thơ của ba chị với bà con người Việt. Chị bán hàng rất cảm động và nói sẽ đưa mẹ đi cùng.
"Tối hôm đó, chị đưa mẹ đến. Bà mặc áo dài trang trọng. Bà đọc thơ và có lúc đã khóc. Bà kể lúc còn sống chồng bà đã làm những vần thơ này để gửi lại con cháu và cũng là bày tỏ nỗi niềm của người xa xứ hướng về quê hương, nguồn cội. Bà nói bà không thể ngờ là có lúc nào đó trong đời bà lại có thể được đọc những bài thơ của ông trước bà con kiều bào như thế", chị Yến kể lại.
Cảm xúc từ câu chuyện đặc biệt này trong ngày giỗ Tổ đã lan tỏa đến tất cả mọi người. Phu nhân của một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất cảm động, rơm rớm nước mắt nói với chị Yến là bà "chưa bao giờ được dự chương trình nào chạm đến tận đáy lòng như thế. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa".
"Ba không" và "ba có"
Qua 9 năm triển khai dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, dù với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chị Yến cho rằng vẫn nên tổ chức trực tiếp tại một số nước ở cả năm châu lục bên cạnh tổ chức trực tuyến để kết nối các nước. Năm 2023, sự kiện diễn ra tại Lào, Đức, Nga và kết nối với gần 40 quốc gia.
Cùng với dấu mốc đáng kể đã làm được, những người đứng mũi chịu sào như chị Bích Yến vẫn còn không ít tâm tư. Kể từ khi thành lập cho tới tận hôm nay, dự án vẫn đang được triển khai theo hình thức thiện nguyện và hoạt động với "ba không": không nhân lực chuyên môn, không vật lực hậu thuẫn, không người chuyên trách (trừ một người là chủ nhiệm dự án làm công việc kiêm nhiệm).
Nhưng chị Yến cũng tự hào rằng dự án đang hoạt động với "ba có": có lòng biết ơn sâu sắc với tổ tiên nguồn cội; có sứ mệnh/lý tưởng lan tỏa văn hóa và phẩm hạnh Việt, kết nối người Việt và bạn bè quốc tế với Việt Nam; có lòng tự tôn, tự hào dân tộc và nỗi nhớ tha thiết với quê hương, tạo được niềm tin, sự tín nhiệm của đồng bào, kiều bào và bạn bè quốc tế.
Năm 2015, khi về nước tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần 9 tại Hà Nội, chị Yến cùng một số trí thức khác ở bảy quốc gia đã cùng thành lập dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu (chiến lược phối hợp tổ chức Ngày giỗ Tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu).
Từ năm 2015 đến nay, dự án đã tổ chức nhiều hoạt động như an vị tượng Vua Hùng và lễ giỗ Tổ trực tiếp ở các nước Czech, Nga, Đức, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraine, Hungary. Tổ chức thường niên Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu - lễ giỗ Tổ Hùng Vương và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến ở gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổ chức thành công 70 talk show Hung King's với gần 700 khách mời là các nhà trí thức, khoa học, ngoại giao, chuyên gia...
Chị Phạm Thị Minh Hương (trưởng ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu tại Lào):
Tôi thấy đây là dự án ý nghĩa và nhân văn, kết nối tinh thần đại đoàn kết dân tộc, hướng người Việt khắp nơi trên thế giới tìm về cội nguồn. Đầu năm 2023, tôi được bà con phân công làm trưởng ban dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu tại Lào.
Bà con kiều bào Lào và 11 nước về tham dự Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2023 đều rất xúc động. Nhìn những giọt nước mắt của bà con khiến tôi càng thấy phải nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho xã hội, kết nối người Việt khắp năm châu hướng về cội nguồn tổ tiên.
GS.TS Bùi Minh Phong (ở Hungary, một trong những thành viên sáng lập dự án:
Ông là người đã được tổng thống Hungary trao tặng huy chương Chữ thập Hiệp sĩ vào tháng 8-2023, sau 37 năm giảng dạy và nghiên cứu (1986-2023) ở Trường ĐHTH Eötvös Loránd)
Trong quá trình thực hiện và triển khai dự án, chúng tôi nhận thấy qua các hoạt động này vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở các nước được nâng thêm một tầm cao mới, giúp bà con hướng về quê hương đất nước, giúp bạn bè nước ngoài hiểu hơn về các hoạt động hướng về đất mẹ của cộng đồng chúng ta.
Việc thỉnh và đặt tượng Vua Hùng, trống đồng ở các nước tạo nên nét thiêng liêng và đặc trưng cho cộng đồng người Việt Nam.
TTO - Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt quay về Việt Nam lập nghiệp trong độ tuổi đôi mươi, ba mươi và ở lại đến nay đã hơn 10, 15 năm.