Những mục tiêu mơ hồ như "ăn uống lành mạnh hơn" hay "tập thể dục nhiều hơn" ít có khả năng thành công. Thay vào đó chúng ta có thể học cách sử dụng nguyên tắc SMART (S - Cụ thể; M - Có khả năng đo lường; A - Khả thi; R - Thực tế và T - Ràng buộc về thời gian).
Đừng đặt mục tiêu quá cao
Tất cả những mục tiêu không cụ thể hoặc quá xa vời đều khiến bạn dễ thất bại và thất vọng. Cần chia mục tiêu thành các bước nhỏ, tập trung vào việc cải thiện và quản lý từng bước.
Ví dụ, đặt mục tiêu tăng lượng trái cây và rau quả trong khẩu phần ăn lên 30%, hoặc giảm thức ăn chế biến sẵn xuống 10% trong vòng một tháng, thay vì đột ngột đổi toàn bộ thói quen ăn uống.
Nhiều người trong chúng ta thường hấp tấp trông ngóng kết quả, cố gắng đẩy nhanh quá trình hoặc mong muốn thấy sự khác biệt chỉ sau vài lần thực hiện.
Vậy nhưng, những thay đổi đáng kể không xảy ra chỉ sau một đêm. Mọi thứ đều cần thời gian thích nghi, sau đó mới chuyển biến.
Đừng viết mục tiêu rải rác khắp nơi. Nên dùng sổ tay hoặc ứng dụng để theo dõi được quá trình phát triển của bản thân, không chỉ trong năm mà nhiều năm liền. Ghi vào đó những thành công, thất bại và cả bài học rút ra.
Linh hoạt thay đổi chiến lược
Phía sau mỗi mục tiêu, bạn nên tự thưởng cho bản thân một điều gì đó. Đây là "mẹo" tâm lý để tạo động lực, nhất là sau các cột mốc quan trọng. Đồng thời, bạn có thể ở cạnh những người luôn ủng hộ và động viên bạn một cách sáng suốt, thay vì thường xuyên tương tác với những ai chỉ khiến bạn thấy muốn bỏ cuộc.
Tuy vậy, không có gì đảm bảo rằng mọi việc sẽ diễn ra đúng như kế hoạch hay kỳ vọng ban đầu. Vì vậy, cần linh hoạt để đổi chiến lược và xây dựng kỹ năng tự nhận thức. Bạn không đạt được mục tiêu đã đề ra là do yếu tố khách quan, hay vì sự trì hoãn và lười biếng?
Tuy nhiên, một thực tế là mục tiêu phát triển bản thân phù hợp với người này có thể hoàn toàn khác với người khác. Vì vậy, bạn có thể tham khảo, thử nghiệm để tìm ra cách phù hợp nhất với bản thân.
Đừng lập danh sách những việc cần làm đầu năm mới như một "nghi thức", để rồi sau đó bỏ lửng và sa lầy vào những thói quen cũ.
Nghĩ về những điều lớn hơn bản thân
Trong bài viết trên The New York Times, cây bút Roger Rosenblatt gợi ý năm nay hãy đưa ra quyết tâm về điều gì đó lớn hơn bản thân bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì lên kế hoạch cho các chế độ tập luyện, chúng ta nghĩ về những điều lớn hơn đang diễn ra xung quanh mình - chiến tranh, phân biệt, bạo lực, tàn phá môi trường? Ta có thể làm gì để góp phần giải quyết?
Từ những tầm nhìn về cộng đồng và tập thể này, bạn có thể đề ra danh sách những gì cần làm. "Chúng ta có thể bắt đầu từ việc nhỏ để giúp thế giới trở nên tốt hơn", ông gợi ý.
"Tôi hứa rằng mình sẽ đến bệnh viện nhi thường xuyên để kể chuyện và chơi đùa cùng bọn trẻ, gọi điện cho những người cô đơn, để mắt đến những con vật đi lạc, mang lại cho chúng sự an toàn và thoải mái…
Bạn sẽ làm gì, ngay bây giờ, tuần này, tháng này, để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn? Hãy giúp đỡ người khác, quyên góp tiền bạc hoặc thời gian, an ủi hoặc truyền cảm hứng cho ai đó. Có rất nhiều cách để thay đổi thế giới này, ngay trong tầm tay", tác giả nhắn nhủ.
Khi đặt mục tiêu tài chính, bạn sẽ dễ theo đuổi những mục tiêu liên quan tới các vấn đề bạn coi trọng nhất.