Ca mổ tách dính đánh dấu quan hệ hữu nghị Việt Nam và Nhật Bản năm ấy, bằng một cách thật đặc biệt, bộ phim Doku (tên dự kiến) nằm trong mốc 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia (dự kiến phát hành quý 1-2024).
Doku trong chữ "Doku Chan" là tên gọi thân thiện mà người Nhật thường gọi Nguyễn Đức - người em trong ca phẫu thuật kinh điển này.
Từ mẩu tin đọc năm 7 tuổi
Năm 7 tuổi, trong một lần tình cờ, cô bé Yoshie Ruth Linton (thường gọi là Ruth) đọc được mẩu tin về ca phẫu thuật tách rời của cặp song sinh Nguyễn Đức - Nguyễn Việt vào năm 1988.
Đây là ca mổ huyền thoại được hoàn thành bởi 70 giáo sư, y bác sĩ hai nước Việt - Nhật. "Thật kỳ lạ, mẩu tin về ca mổ đó đọng lại rất sâu trong ký ức tôi", Ruth kể.
Thành một ám ảnh, một cơn cớ để năm 2010, Ruth bay sang Việt Nam gặp "người thật việc thật".
Bấy giờ, anh Nguyễn Việt đã mất sau 19 năm sống đời thực vật; người em Nguyễn Đức đã lập gia đình và có hai bé sinh đôi mới 1 tuổi; Ruth thì chưa có con. Họ thành thân thiết như người nhà và thường xuyên trò chuyện qua mạng.
Cuộc sống tưởng chừng cứ thế cho tới năm 2022, khi theo dõi các chiến sự căng thẳng liên miên trên thế giới, Ruth bồn chồn không dứt.
Đau buồn vẫn lặp lại ở nơi chốn nào đó dù thế giới hiện đại hơn, văn minh hơn và bi kịch của cặp song sinh người Việt tưởng chừng đã là chuyện quá khứ.
Ruth đã có gia đình riêng và con cái. Có một câu hỏi vẫn xuất hiện trong đầu cô: Tương lai sẽ như thế nào để con mình có một cuộc sống tốt hơn? Ruth nghĩ tới người bạn Nguyễn Đức, cô bay sang Việt Nam và bảo cô muốn làm một bộ phim có thông điệp hòa bình.
Nhưng tại sao Ruth không tìm một nhân vật nào khác ở Nhật Bản? Thông tin về ca mổ tách rời cặp song sinh Đức - Việt đã được tường thuật đầy đủ chi tiết trong rất nhiều bản tin thời đó và cả sau này, còn gì để kể? Hơn nữa, hơn 30 năm đã trôi qua.
Làm một bộ phim về một sự kiện trong quá khứ, câu chuyện lại không quá mới mẻ, liệu còn ai quan tâm không?
Nhưng với Ruth, "số phận của Nguyễn Đức đại diện cho sự tàn khốc của chiến tranh". Ở Nhật, cô không tìm được hình tượng nào đại diện cho điều mà cô muốn nói. "Và có lẽ, chúng tôi cùng thế hệ nên có một kết nối đặc biệt về tinh thần chăng?", Ruth tự hỏi.
Nhà làm phim này nói không ít người cho rằng câu chuyện của Nguyễn Đức và Nguyễn Việt đã thuộc về quá khứ. Nhưng mọi người có biết người còn lại vẫn đang phải chiến đấu mỗi ngày với số phận khắc nghiệt của mình.
Di chứng của chất độc da cam và từ ca mổ tách rời từ năm 1988 vẫn đeo bám Nguyễn Đức. Anh vẫn tiếp tục sống, hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, người cha, một người công dân có ích.
Như Nguyễn Đức tâm sự là nạn nhân của chiến tranh, đồng thời cũng là người nhận được tình yêu thương của cuộc đời, anh luôn cố gắng sống để hoàn thành sứ mệnh của một đại sứ hòa bình, có nhiệm vụ truyền đi thông điệp này với tư cách là một nhân chứng.
Có gì mới?
Nguyễn Đức thỉnh thoảng vẫn nghe một ai đó nói dù anh sinh ra không được may mắn như bao người nhưng anh đã có một cuộc sống như cổ tích. Chỉ người trong cuộc mới hiểu và thêm Ruth đã phát hiện những câu chuyện "trong cuộc đó".
Trong suy nghĩ của Nguyễn Đức, Ruth không bị tác động bởi bất cứ ai, cũng không tìm tên anh qua Internet hay sách báo, mạng xã hội mà là một Nguyễn Đức bằng xương bằng thịt, đi đứng, nói cười, vật lộn sống trước mắt cô ấy.
Ruth hiểu số phận của một con người từ khi sinh ra đã đơn độc là gì. "Ở đây không có gì gọi là cổ tích đâu", Đức nói.
Ruth bảo bộ phim chú trọng và bám rất sát cuộc sống hiện tại của Nguyễn Đức. Sẽ có cả những góc khuất, những câu chuyện mà người đàn ông này chưa từng kể ở đâu.
Như chuyện từ ca mổ năm 1988, Đức đã phải vật lộn với hơn 10 ca mổ nữa. Ruth chọn ngôn ngữ điện ảnh tài liệu tự nhiên chân thật nhất để kể về số phận một con người từng là tâm điểm của dư luận.
"Nguyễn Đức được biết đến như một kỳ tích của y học nhưng nhiều người chưa biết đến anh - ở tư cách một con người bình thường", Ruth nói. Ngoài chữ "phi thường" người đời dán nhãn, Ruth nhìn Nguyễn Đức ở khía cạnh hài hước, vui nhộn, nhờ đó mà "cuộc sống đầy rẫy khó khăn, mệt mỏi này vơi đi biết bao".
Hơn nữa, người đàn ông này mang bệnh tật trên cơ thể nhưng chăm chỉ hơn người thường rất nhiều.
Ngoài những công việc làm thêm để trang trải nuôi sống gia đình, anh còn là đại sứ hòa bình tại Nhật Bản, phụ trách đối ngoại của Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP.HCM và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học quốc tế Hiroshima (Nhật Bản), nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Duc Nihon "Vì một thế giới đẹp tươi"...
Hằng năm Nguyễn Đức có vài lần sang Nhật để nói chuyện với sinh viên về hòa bình, về giá trị cuộc sống...
Ruth mong rằng phim của cô sẽ khiến người ta ngẫm ngợi và xem được lâu dài, qua nhiều thế hệ, xem để tiếp tục lên án chiến tranh, để sống đẹp, sống thiện và sống mạnh mẽ. Đoàn phim còn mời một người Ukraine làm biên tập.
Ruth hy vọng phim không chỉ chiếu ở Nhật hay Việt Nam mà còn đi xa hơn để kể tiếp những câu chuyện mang tính toàn cầu.
Ruth gọi đây là dự án "để đời" của cả cô và Nguyễn Đức bởi cô tin vào nhiệm vụ truyền tải những thông điệp hòa bình và nhân văn của phim. Trong quá trình sản xuất, Nguyễn Đức đã đặt cả trái tim, tâm hồn và số phận không giống ai của mình một cách tâm huyết, nhiều hơn cả những gì anh đã nói.
Doku dự kiến khoảng 80 phút, sẽ phát hành trong quý 1-2024, trước hết tại các rạp chiếu ở một số thành phố lớn của Nhật, sau đó sẽ sang Việt Nam.
GS.TS.BS Văn Tần, một trong những bác sĩ phẫu thuật chính của ca tách song sinh Việt - Đức, đã qua đời vào ngày 4-9.