Ngày 31-12, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết đã có văn bản yêu cầu Công ty CP Quốc tế Sông Hồng (đơn vị được giao nạo vét, khai thác cát trong lòng hồ thủy điện Krông H'Năng) không được chở cát trong khu bảo tồn Ea Sô ra quốc lộ 29.
Theo đó, công ty trên ngưng khai thác tạm thời đoạn đường nhánh vào quốc lộ 29 tại km113+650 (trái tuyến) trước ngày 1-1-2024.
Kể từ ngày 1-1-2024, các phương tiện vận chuyển cát sẽ không được lưu thông trên tuyến đường nhánh vào quốc lộ 29 nữa. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, các phương tiện chở cát gây tai nạn giao thông hoặc mất an toàn giao thông thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản về việc cho đấu nối tạm thời đường nhánh vào quốc lộ 29 tại km113+650 (thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk) để Công ty CP Sông Hồng thực hiện dự án nạo vét, thu hồi cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại hồ thủy điện Krông H'Năng (xã Cư Prao, huyện M'Đrắk).
Thời gian cho đấu nối tạm thời kéo dài trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 1-1-2023. Hiện thời hạn đấu nối tạm thời đã hết nên Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đóng ngay điểm đấu nối tạm thời nêu trên.
Hiện Công ty CP Sông Hồng đã được cấp phép thi công đường nhánh đấu nối vào quốc lộ 29 tại nút giao km113+650. Doanh nghiệp này sẽ được khai thác trở lại tuyến đường tạm thời để chở cát nối ra quốc lộ 29 khi việc thi công hoàn thành, được ngành chức năng cho phép.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã nêu nhiều sai phạm của đơn vị được giao dự án nạo vét, tận thu cát trên hồ thủy điện Krông H'Năng.
Theo đó, Công ty CP Sông Hồng được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép thực hiện nạo vét lòng hồ Krông H'Năng với tổng diện tích 313,5ha, thời gian 5 năm. Dự án có khối lượng nạo vét hơn 6,5 triệu m3 cát, sạn sỏi, bùn đất...
Theo quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét, Công ty CP Sông Hồng đăng ký 9 tàu hút, với dung tích 80m3, công suất bơm 400m3/h. Thời gian nạo vét hằng năm từ ngày 16-12 năm nay đến 31-8 năm sau.
Tuy nhiên, quá trình thi công, doanh nghiệp chỉ sử dụng 3 chiếc tàu cũ, không đăng ký, đăng kiểm để thực hiện nạo vét. Ngoài ra, quá trình nạo vét doanh nghiệp chỉ tập trung hút cát bán, còn bùn đất, sạn sỏi được trả lại sông.
Doanh nghiệp còn tập kết hơn 32.000m3 cát trái phép, xâm phạm phần đất rừng đặc dụng của khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
TTO - Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk đề nghị ngành chức năng kiểm tra, phản hồi báo Tuổi Trẻ trước ngày 10-10 vụ tự ý mở bãi cát trái phép "khủng" trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.