vĐồng tin tức tài chính 365

Xu hướng ngược thời Covid-19: từ kinh doanh online sang offline

2020-12-02 09:54

Trong một năm không bình thường, hoạt động kinh doanh của Jay (Singapore) cũng diễn ra bất thường. Hồi tháng 8, khi nền kinh tế suy yếu do Covid-19 buộc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, anh đã thành lập công ty cà phê trực tuyến Got Drip? rồi bán đồ uống của mình tại một tiệm cắt tóc nam.

Và trong khi các công ty khác chuyển hoạt động sang trực tuyến để cắt giảm các chi phí phát sinh như tiền thuê mặt bằng, thì Jay lại làm điều ngược lại. Đầu năm sau, Got Drip? dự định mở một quán cà phê ở Geylang.

Khi ngày càng nhiều người ở nhà và chọn đặt đồ ăn qua mạng, việc mở một cửa hàng lúc này có vẻ ngược đời. Tuy nhiên, Jay tin rằng động thái này sẽ đưa việc kinh doanh của anh lên một tầm cao mới.

"Tất cả là do chất lượng của sản phẩm thôi. Cách tốt nhất để thưởng thức cà phê là uống ngay khi mới pha, và chúng tôi tin rằng mọi người cũng sẽ muốn ra ngoài và thưởng thức cà phê mới pha tại chỗ", anh nói, "Mở cửa hàng thực là bước tự nhiên để xây dựng một thương hiệu cà phê bền vững về mặt thương mại".

Lượng khách đến các trung tâm mua sắm và cửa hàng đã giảm xuống sau đại dịch, buộc nhiều nhà bán lẻ phải chuyển hướng sang thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng như Jay, một số chủ doanh nghiệp trực tuyến ở Singapore đang đi ngược xu hướng này. Những người khác thì tận dụng việc giá thuê đang thấp để mở cửa hàng thực.

Các động thái này diễn ra ngay khi ngành bán lẻ ở Singapore đang suy giảm mạnh. Số liệu mới nhất vào tháng 9 cho thấy doanh số bán hàng giảm 10,8% so với cùng kỳ năm trước. 457 công ty bán lẻ đã ngừng hoạt động trong tháng đó - cao nhất trong 10 tháng. Ngay cả những thương hiệu lâu đời cũng không tránh khỏi xu hướng này.

Robinsons đã đóng cửa hai trung tâm mua sắm cuối cùng vào tháng 10. Ảnh: Bloomberg.

Robinsons đã đóng cửa hai trung tâm mua sắm cuối cùng vào tháng 10. Ảnh: Bloomberg.

Vào tháng 10, Robinsons - một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất của Singapore, thành lập năm 1858 - tuyên bố đóng cửa hai trung tâm mua sắm cuối cùng. Chuỗi cửa hàng thời trang Esprit của Hong Kong cũng hoàn tất việc đóng toàn bộ 12 cửa hàng tại Singapore vào tháng 4.

Thay thế vị trí của họ là các hãng bán lẻ trực tuyến trẻ hơn, nhanh hơn, đang tận dụng sự bùng nổ online của mình để bước ra đời thực. Vào tháng 9, khi các thương hiệu thời trang của Anh là Topshop và Topman đóng cửa hàng cuối cùng ở Vivocity - trung tâm mua sắm lớn nhất Singapore - và chuyển hoạt động sang trực tuyến, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Singapore là Bonito lại ra mắt cửa hàng thứ tư tại đó. Họ cũng sẽ mở cửa hàng flagship tại ION Orchard vào tháng 12.

Và trong khi Robinsons nói lời tạm biệt bằng một đợt giảm giá tại cửa hàng ở Orchard Road, thì Beyond The Vines, một cửa hàng thời trang trực tuyến thành lập vào năm 2015, đã mở cửa hàng mới nhất tại Ngee Ann City.

"Các hãng bán lẻ trực tuyến thu hút những người mua am hiểu về kỹ thuật số. Nếu họ có hàng hóa, thương hiệu và biết cách marketing, tại sao không cung cấp thêm sự tiện lợi khi mua sắm theo kiểu truyền thống cho cùng nhóm khách hàng đó?", Tiến sĩ Lynda Wee tại Trường Kinh doanh Nanyang thuộc Đại học Công nghệ Nanyang cho biết. Wee cho rằng cách tiếp cận này sẽ nâng cao giá trị thương hiệu thông qua việc trưng bày sản phẩm và dịch vụ tại cửa hàng thực.

Cơ hội trong khủng hoảng

Đối với những người có đủ khả năng chi trả, giá thuê mặt bằng rẻ là điều may mắn trong đại dịch. Thống kê từ Cơ quan Tái thiết Đô thị Singapore cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ đã giảm trong suốt cả năm. Trong quý III, giá giảm 4,5% so với quý II. Đến nay, giá thuê đã giảm gần 10% so với năm ngoái.

Với Jay, điều này đang thúc đẩy kế hoạch mở quán cà phê. "Covid-19 khiến giá cho thuê 'mềm' hơn một chút, cho phép chúng tôi tiến nhanh hơn dự định", anh nói.

Giáo sư Sing Tien Foo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bất động sản và Đô thị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tin rằng giá mặt bằng có thể giảm hơn nữa, đặc biệt là ở các khu mua sắm chính như Orchard Road.

Một số nhà bán lẻ trực tuyến đã nắm bắt cơ hội để chuyển đến đây. The Closet Lover, một thương hiệu thời trang địa phương, là một trong những khách thuê mới đây nhất tại Orchard Road, sau khi mở cửa hàng thứ 8 và là lớn nhất ở Ngee Ann City hai tuần trước. Hãng còn có các cửa hàng ở Malaysia và Campuchia.

Bất chấp nguồn gốc trực tuyến của thương hiệu, nhà đồng sáng lập Bertilla Wong tin rằng các cửa hàng thực vẫn quan trọng. "Mua sắm thực mang lại sự hài lòng tức thì, đặc biệt là ở châu Á. Người mua hàng vẫn thích thú khi có thể thử sản phẩm, sờ và cảm nhận các loại vải và mua hàng ngay lập tức", cô nói.

Dù phải giải quyết rào cản về Covid-19 và tổng chi phí, cô cho biết doanh thu tổng thể đã phục hồi nhanh hơn dự kiến sau khi Singapore dỡ bỏ các biện pháp giãn cách.

Cửa hàng truyền thống 2.0

Với nhiều lựa chọn và dễ dàng so sánh giá cả, mua sắm trực tuyến mang lại sự tiện lợi không gì có thể so sánh. Vì vậy, các cửa hàng thực không thể chỉ đóng vai trò là nơi lưu trữ và trưng bày sản phẩm được nữa. Thay vào đó, chúng phải chuyển đổi thành các không gian tương tác.

"Con người cần tương tác", Phó giáo sư Tan Soo Jiuan của Trường Kinh doanh NUS cho biết, "Nếu các cửa hàng này có thể đáp ứng các nhu cầu tương tác và tạo ra những mô hình (concept) thú vị hơn, mọi người có thể trải nghiệm toàn bộ hành trình tiêu dùng tại đây".

Các nhà bán lẻ nhận thức được nhu cầu mới này. Cửa hàng mới nhất của Closet Lover có khu vực dành riêng cho các sự kiện đặc biệt. Đó là một không gian nhỏ, có chỗ ngồi, tạo điều kiện cho các tương tác cá nhân.

"Khi mua sắm trực tuyến trở thành tiêu chuẩn, chúng tôi cần nghĩ đến những trải nghiệm có thể làm hài lòng khách hàng và đó là nơi mà không gian thực xuất hiện", Wong nói. Không gian vật lý không chỉ đơn thuần là cửa hàng nữa mà phải là nơi để trải nghiệm và mở ra trí tưởng tượng.

Cửa hàng của Nasty Cookie tại Funan Mall. Ảnh: Nasty Cookie.

Cửa hàng của Nasty Cookie tại Funan Mall. Ảnh: Nasty Cookie.

Đối với cửa hàng bánh quy Nasty Cookie, tính thẩm mỹ là chìa khóa để mang đến trải nghiệm độc đáo. Những bức tường màu xanh Tiffany và bảng hiệu đèn neon đã trở thành nét đặc trưng cho cửa hàng của họ tại Funan Mall và Kaki Bukit. Khách hàng đã kéo đến đây chụp ảnh để đăng lên Instagram.

Nasty Cookie được Regine Sum sáng lập năm 2018 với tư cách là một doanh nghiệp trực tuyến. Họ đã mở cửa hàng flagship vào tháng 10. Một cửa hàng thực cho phép thương hiệu gắn kết sâu hơn với khách hàng, cô nói. Khách hàng có thể tương tác với thương hiệu trực tuyến thông qua các nền tảng truyền thông xã hội của họ như TikTok và Instagram, cũng như dành thời gian trải nghiệm tại cửa hàng của họ.

"Điều này thúc đẩy tăng trưởng thực và giúp chúng tôi có vị thế tốt trong ngành công nghiệp cạnh tranh này. Chúng tôi chắc chắn muốn có nhiều cửa hàng ngoại tuyến hơn", cô nói.

Tin tốt là người Singapore vẫn thích mua sắm và ăn uống tại cửa hàng hơn. Theo báo cáo tháng 11 của JLL, tỷ lệ mua sắm tại một số trung tâm thương mại đã quay trở lại mức 60-70% so với năm ngoái. Doanh số bán hàng của một số nơi cũng đã tăng trở lại mức trước đại dịch.

Nó cho thấy rằng bất chấp sự chuyển đổi mạnh mẽ sang thương mại điện tử, các cửa hàng truyền thống vẫn có tương lai. Jay cho biết dù kinh doanh trực tuyến có thể mang lại doanh thu cao, các cửa hàng bán lẻ thực phẩm và đồ ăn uống lại mang đến trải nghiệm tiếp xúc cộng đồng.

Phiên An (theo SCMP)

Xem thêm: lmth.4389914-enilffo-gnas-enilno-hnaod-hnik-ut-91-divoc-ioht-cougn-gnouh-ux/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xu hướng ngược thời Covid-19: từ kinh doanh online sang offline”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools