Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh (1/12/1920-1/12/2020), nguyên Chủ tịch nước, nhà lãnh đạo tài năng có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng tôi về thăm quê hương Đại tướng, làng Bàn Môn, xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế).
Nhiều năm qua, ghi nhớ lời dạy của Đại tướng Lê Đức Anh, Đảng bộ và nhân dân các cấp ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, đặc biệt là Đảng bộ, nhân dân xã Lộc An đã không ngừng nỗ lực, thi đua lao động, sản xuất, góp sức xây dựng quê hương của Đại tướng ngày một giàu đẹp hơn…
Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh ở làng Bàng Môn vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng. |
Từ trung tâm xã Lộc An đến làng Bàn Môn và các thôn xóm, hai bên đường đều treo cờ, băng rôn, biểu ngữ đón chào sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh.
Ông Lê Nguyên Thi (43 tuổi, cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh) cùng các cán bộ của Trung tân Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phú Lộc luôn có mặt tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh để dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên, cắt tỉa cây cối và chuẩn bị các phần việc cho lễ kỷ niệm.
Ông Thi trao đổi: “Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng và khánh thành vào năm 2012. Chỉ tính riêng trong năm 2020, nơi đây đã đón hàng nghìn lượt khách, trong đó phần lớn là các đoàn học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền đất nước và du khách nước ngoài đến viếng, tham quan, tìm hiểu về cuộc đời của Đại tướng. Đây chính là niềm tự hào của bản thân, gia đình và dòng tộc khi Đại tướng Lê Đức Anh, người con của quê hương xứ Truồi luôn được mọi người dân nhớ đến”.
Nhiều năm qua, Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ. Nhà văn hóa có diện tích khoảng 4.000m2 gồm nhiều hạng mục như nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn và hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng. Bên trong khuôn viên nhà văn hóa có biểu tượng cột mốc chủ quyền của Việt Nam được dựng lại giống như cột mốc tại Trường Sa năm 1988. Đặc biệt, thư viện ở đây có hơn 3.000 đầu sách đủ thể loại văn học, lịch sử, báo chí… cùng nhiều hình ảnh, tư liệu về Đại tướng.
Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Trần Thị Xuân, nhân viên thư viện Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh bày tỏ niềm tự hào khi được làm công tác trông coi, gìn giữ và bảo quản hàng nghìn đầu sách cùng vô số tư liệu, hình ảnh liên quan đến Đại tướng Lê Đức Anh.
“Vào những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là trước dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, Đoàn Thanh niên xã Lộc An cùng với học sinh các trường ở địa phương đã về đây tham gia thực hiện ngày Chủ nhật xanh, thu gom rác, vệ sinh, lau chùi bàn ghế, tủ sách… nhằm chuẩn bị việc đón tiếp các đoàn đến tham quan. Đến với nhà văn hóa, nhiều em rất say mê đọc sách, tiếp thu, học hỏi kiến thức đúng như tâm nguyện của Đại tướng khi thực hiện xây dựng nhà văn hóa này”, chị Xuân hồ hởi nói.
Người dân xã Lộc An vẫn còn ghi nhớ nhiều kỷ niệm về Đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng luôn giản dị, gần dân khi về thăm quê hương xứ Truồi. Đã 83 tuổi nhưng ông Lê Đức Đáng (ở làng Bàn Môn) vẫn còn minh mẫn; ông nhớ như in từng lời nói, cử chỉ của Đại tướng Lê Đức Anh mỗi khi Đại tướng về thăm quê.
“Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Đại tướng có nhiều lần ghé về thăm quê hương và bà con làng xóm. Mỗi lần về quê hương, ông đều đi ra bến sông Truồi gần nhà văn hóa để thăm hỏi về cuộc sống và động viên bà con. Lúc nào cũng vậy, Đại tướng luôn gần gũi, dễ mến khiến tôi và mọi người đều cảm động”.
Ông Đáng xúc động nhớ lại, sau khi đi thăm bà con trong làng, Đại tướng ghé vào thăm cán bộ đang làm việc tại UBND xã Lộc An. Đại tướng đã dặn dò các cán bộ rằng: “Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, vì thế cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được. Có như thế thì đời sống của nhân dân xã nhà mới thoát nghèo đi lên!”.
Khắc ghi lời dạy của Đại tướng Lê Đức Anh, nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc An đang từng ngày ra sức, nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế để đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương.
Ông Trương Thanh Tín, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho hay, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đặc biệt là sự động viên, khích lệ của Đại tướng Lê Đức Anh nên cán bộ và nhân dân Lộc An nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xây dựng, phát triển kinh tế địa phương.
Lộc An hiện có hơn 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp. Từ một xã nghèo, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ dám làm nên trong năm 2020, thu nhập bình quân của người dân Lộc An đạt 46 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, xã đã quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn đưa vào sản xuất lúa với tổng diện tích 1.466ha, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 9.400 tấn. Ngoài ra, người dân Lộc An còn lợi dụng vị trí địa lý để phát triển 175ha rừng, 72ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thế mà xã đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới khi đạt 19/19 tiêu chí từ năm 2018.
Điều đáng nói, năm 2020 bị ảnh hưởng của 2 đợt dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ nhưng người dân Lộc An vẫn quyết tâm đoàn kết, vượt qua khó khăn để thi đua lao động, sản xuất. Đây cũng chính là động lực để con em xã Lộc An vượt khó vươn lên học giỏi. Chỉ riêng trong năm học vừa qua, xã Lộc An có 47 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, hàng chục em khác đỗ cao đẳng và theo học các trường trung cấp chuyên nghiệp.
“Cán bộ xã Lộc An và nhân dân địa phương sẽ luôn khắc ghi những lời dạy của Đại tướng Lê Đức Anh để tiếp tục nỗ lực đoàn kết, ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; thế hệ trẻ ra sức học tập để góp phần xây dựng quê hương của Đại tướng ngày càng giàu đẹp, giúp đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, ông Tín trò chuyện với chúng tôi mà như thể nói với chính mình.
Xem thêm: /249126-hnA-cuD-eL-gnout-iaD-gnouh-euq-nert-yaht-ioD/us-ioht/nv.moc.dnac