Kỳ vọng đẩy tín dụng cuối năm thêm khó vì đợt Covid mới
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh lãi suất tiếp tục giảm, tín dụng tăng tốc tốt hơn và các chỉ báo kinh tế tiếp tục phục hồi, nền kinh tế thêm lần nữa đối mặt với thách thức mới về việc kiểm soát các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới đây tại TPHCM.
Hình minh họa: TTXVN. |
Lãi suất tiếp tục điều chỉnh giảm
Báo cáo về thị trường tiền tệ cuối tháng 11 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng vừa qua. Theo đó, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành Ngân hàng hiện đang ở mức 5,046 và 5,99%, đều thấp hơn so với tháng trước đó.
Khảo sát cho thấy tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng vẫn còn giữ ở mức 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm nhẹ về mức 4%/năm, tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lại tăng lên mức 5,8%/năm.
Tại Techcombank, theo biểu lãi suất được áp dụng từ ngày 24-11, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng về mức 2,45%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức trước đó, còn lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh từ 4,4% về còn 4%/năm.
Tại Ngân hàng ACB, biểu lãi suất có hiệu lực từ đầu tháng 11 cho thấy lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,6%/năm (khoản tiền dưới 200 triệu đồng), trong khi kỳ hạn 6 tháng là 5,3%/năm, có điều chỉnh tăng nhẹ so với lần điều chỉnh hồi tháng 10.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục có xu hướng đi xuống so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 3,3-3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; khoảng 4,2-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8%-6,9%/năm.
Vào đầu tháng 10, NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm, trong đó tiếp tục giảm trần lãi suất. Hai lần điều chỉnh trước đó là vào tháng 3 và tháng 5, lần lượt giảm 0,5 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng tiếp tục đi xuống, thấp hơn mức trần giới hạn 4%/năm, thậm chí có ngân hàng trả lãi chưa tới 3%/năm cho khoản tiền gửi ngắn hạn 1-2 tháng.
Theo dự báo của BVSC, trong bối cảnh lạm phát chưa gây áp lực, chính sách tiền tệ sẽ vẫn được NHNN duy trì trạng thái nới lỏng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động trong tháng 12 nhiều khả năng khó giảm thêm khi tín dụng có khả năng tăng mạnh trong tháng cuối năm.
Nguồn: Fiinpro, BVSC. |
Tín dụng cuối năm liệu có phục hồi?
Thông tin tại một hội thảo mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tính đến ngày 17-11, dư nợ nền kinh tế tăng trưởng khoảng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,28%). Con số này vẫn còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 9-10% trong cả năm 2020.
Tuy nhiên, Công ty chứng khoán KB (KBSV) đánh giá chỉ riêng nửa đầu tháng 11, tín dụng đã tăng 1% so với cuối tháng 10, phản ánh đúng diễn biến phục hồi của nền kinh tế khi các chỉ số khác như chỉ số sản xuất, doanh thu bán lẻ tăng trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. "Sau lần hạ lãi suất gần đây của NHNN trong tháng 10 vừa qua, các hiệu ứng tích cực đã xuất hiện như tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện đáng kể", báo cáo của KBSV đánh giá.
Trong báo cáo thống kê 13 ngân hàng niêm yết của SSI, tổng tín dụng tăng thêm trong quí 3 cuối quí tăng 2,9% so với quí trước và 7,5% so với đầu năm. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh tăng 3,4% so với đầu năm, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lên tới 12,9% so với đầu năm. Đóng góp chủ yếu là từ hoạt động cho vay doanh nghiệp, trái phiếu và cả cho vay bán lẻ.
Đáng chú ý là trong quí 3, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhiều ngân hàng thương mại, mức cao nhất nằm ở nhóm Techcombank, TPBank và VIB. “Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng vào quí 4-2020”, báo cáo của SSI cho biết.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang gặp thách thức mới khi TPHCM, thị trường chiếm đến gần 25% GDP cả nước, có thêm các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vào cuối tháng 11 vừa qua. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng đồng thời sẽ là thách thức lớn cho các hoạt động kinh tế, bao gồm cả sản xuất và bán lẻ vốn chuẩn bị cho mùa mùa sắm cuối năm và dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Theo báo cáo xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quí 4-2020 của Vụ Dự báo-Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động – cho vay tiếp tục giảm trong quí 4 này và cả năm 2020. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng bình quân chung toàn hệ thống giảm 0,1 điểm phần trăm trong quí 4-2020. Bên cạnh kỳ vọng giảm lãi suất huy động, có hơn 50% tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại, dù vẫn thấp hơn con số 59,2% theo khảo sát trong quí trước. Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng 4,7% trong Quí 4-2020 và tăng 11,4% trong năm 2020. |
Xem thêm: lmth.iom-divoc-tod-iv-ohk-meht-man-iouc-gnud-nit-yad-gnov-yk/923113/nv.semitnogiaseht.www