Ảnh: L.ĐIỀN
Nhưng tập sách đặc biệt ở chính nội dung, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở tuổi ngoại bát tuần nhìn lại cuộc đời mình, tập hợp những bài viết lâu nay, "san định" lại để thành tập.
Ông nhìn thấy quãng thời gian sống và làm việc mấy chục năm nổi trội lên bốn chữ vi vu và tình đời.
Tiếng ngân vi vu trong sự nghiệp âm nhạc của ông đã là một lẽ, còn có cả những chuyến đi đồng hành với người bạn đời là nhà thơ Lê Giang để sưu tập và khảo cứu dân ca khắp các vùng miền.
Cái thanh âm trong công việc/ sự nghiệp ấy, nằm gọn trong hai chữ vi vu. Còn tình đời là một phần sâu nặng hơn đối với mỗi người, lại cũng là phần nội dung quan trọng của tập sách này.
Bằng cách gọi thân thuộc rằng chỉ là những trang viết về thầy và bạn, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết dưới dạng hồi ức về một loạt các nhạc sĩ Việt Nam, tập trung ở những người ông có giao tình thân thiết: Tô Vũ, Trần Kiết Tường, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng, Hoàng Việt, Thái Ly, Phan Nhân, Hoàng Hiệp, Triều Dâng, Diệp Minh Tuyền...
Thân phận người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, những nhạc sĩ trong nền tân nhạc Việt Nam đã đi vào kháng chiến, sống và sáng tác ra sao... Ở đề tài ấy, chúng ta bắt gặp những tư liệu độc đáo, những tâm sự chân tình tự đáy lòng giữa những người nghệ sĩ với nhau...
Có những tình tiết chỉ những người trong cuộc thuộc giới nhạc sĩ với nhau mới biết, như duyên do ra đời bài hát Anh ở đầu sông em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Hoài Vũ, là xuất phát từ một bản nhạc trước đó cũng phổ thơ Hoài Vũ: bài Vàm Cỏ Đông, do Trương Quang Lục phổ.
Bấy giờ là một buổi chiều đi cõng gạo ở Liên khu 5, trên đường về căn cứ, Phan Huỳnh Điểu nghe tiếng hát của một chiến sĩ trong đoàn từ Bắc vào: "Ở tận sông Hồng em có biết/ quê hương anh cũng có dòng sông...".
"Mặc dù chưa một lần tới Long An và chưa hề thấy hai con sông Vàm Cỏ, nhưng tôi bắt đầu thấy mình đã kết duyên gắn bó với mảnh đất Long An này rồi! Và những ngày đầu tiên miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới có dịp quen biết nhà thơ Hoài Vũ, và phổ nhạc ngay bài thơ Miền hạ, tức bài Anh ở đầu sông em cuối sông" - Lư Nhất Vũ trích lời tâm sự của Phan Huỳnh Điểu.
Từ mối duyên với những người trong giới, trang viết của Lư Nhất Vũ có được độ tin cậy và trở thành một kênh để tìm hiểu tâm trạng của những người "trở thành nhân vật" trong tập sách này.
Có những cứ liệu đáng quý, chẳng hạn tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào năm 64 tuổi: "Bài gì của tôi đáng nhớ quần chúng nghe đã nhớ. Bài gì người ta nghe rồi mà không nhớ có nghĩa là cũng đáng để người ta quên".
Thái độ sòng phẳng với mình và với công chúng của mình như vậy, phải một người gần gũi như Lư Nhất Vũ mới nhận ra, bắt được, và còn quý hơn là ghi lại.
TTO - Tập sách có tính chất tổng kết những chặng đời sống và sáng tác của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa được ra mắt bạn đọc trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay.
Xem thêm: mth.37981800130210202-ehgn-nav-eb-nab-iov-uv-iv-uv-tahn-ul-gnuc-iod-hnit-uv-iv/nv.ertiout