Nhưng, sau đó, ông nhận ra người làm mẫu cho Judas chính là người 10 năm trước đã từng làm mẫu để ông vẽ Jesus, vị Chúa lòng lành. Giai thoại ấy thực chất chỉ là thêu dệt, nguyên gốc của nó là, vì Leonardo da Vinci mãi không tìm được một gương mặt phản diện hoàn hảo cho Judas, khiến tiến độ tranh chậm trễ, một vị tu viện trưởng đã cằn nhằn với bề trên và cuối cùng danh họa dọa sẽ lấy luôn hình mẫu của vị tu viện trưởng cho kẻ phản Chúa. Còn, không có nhiều thông tin về ai là hình mẫu cho Jesus trong tác phẩm kinh điển này. Nhưng dù là ai, người đó cũng là một người đàn ông da trắng với mái tóc nâu dài.
Jesus có lẽ là gương mặt thân quen nhất trong lịch sử hội họa, không chân dung nào được tái khám phá nhiều hơn đứa con mà Chúa đã hiến cho thế giới. Và, hình ảnh Jesus da trắng dường như đã hằn sâu trong tiềm thức khán giả đến nỗi, ít ai còn băn khoăn đức Chúa con mang màu da gì. Ngài đương nhiên là da trắng, giống như Willem Dafoe, người đã thủ vai ngài xuất sắc trong bộ phim “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”. Còn ngay cả khi danh họa Paul Gauguin vẽ bức Jesus vàng thì cũng không có nghĩa Jesus của ông da vàng, mà chỉ vì ánh nắng miền Nam nhuộm da ngài vàng ruộm.
Nhan Chúa, đó là điều thiêng liêng linh thánh vốn không thuộc về thế giới trần tục và không ai được phép nhìn trực diện. Nhưng, bởi Jesus đã ở trong nhân gian, ngài tựa như một bắc cầu giữa con người và sự siêu việt nên được phép hình dung về ngài và sự hiện diện của ngài giúp thỏa mãn cho người ta trí tưởng tượng về cái siêu phàm gần gũi. Có điều, từ một khao khát hiểu biết đến tận cùng, cuối cùng đã hóa thành một cuộc chiến văn hóa kéo dài hàng thiên niên kỷ. Biểu tượng Jesus nắm trong nó thứ quyền năng thu phục và thống nhất cho nên cũng giống như các dân tộc đã tranh nhau đất đai, nguồn nước, khoáng sản, bầu trời, họ cũng không ngừng tranh chấp Chúa Jesus, mà trong cuộc tranh chấp ấy, người da trắng gần như đã hoàn toàn thắng thế.
Chân dung nổi tiếng nhất về Chúa Jesus, đã bán hơn nửa tỷ bản trên toàn thế giới. |
Đêm trước trận tử chiến ở thành La Mã, hoàng đế Constantine nằm mơ thấy biểu tượng thập giá báo hiệu cho chiến thắng của mình. Tin rằng đã được chính Jesus phù hộ, sau khi chiến thắng vẻ vang, Constantine cải đạo, đưa Ki-tô giáo lên đến đỉnh cao khải hoàn. Rồi sau đó, với sự trỗi dậy của châu Âu trong nhiều thế kỷ, Jesus đã được đàng hoàng xếp là một người châu Âu chân chính. Jesus luôn tỏa hào quang, hào quang thì ngược lại với bóng tối và nếu như bóng tối có màu đen thì hào quang có màu trắng, như làn da của chủng tộc “thượng đẳng” vậy.
Ai là danh họa lớn nhất của thế kỷ 20? Một người không am hiểu gì về hội họa cũng có thể kể ra một vài cái tên như Pablo Picasso, Salvador Dalí hay Frida Kahlo nhưng ít ai nhớ đến cái tên Warner Elias Sallman, một họa sĩ thường thường bậc trung nhưng có một tác phẩm vĩ đại. Vĩ đại, không phải bởi vì nó quá đẹp, mà vì nó quá phổ biển. Ít nhất 500 triệu bản của nó đã được bán ra. Người ta còn tương truyền bức tranh có phép mầu. Tên của bức tranh đơn giản là “Đầu của Chúa”, được Sallman vẽ lần đầu cho một tờ tạp chí thiếu niên. Bức tranh mô tả Jesus có nét hao hao một vị học giả nhằm tạo cảm giác thân thiện với giới trẻ, tất nhiên là một vị học giả Âu châu với đôi mắt xanh lơ và mái tóc quăn dài - nói tóm lại, hoàn toàn là một nỗ lực để “marketing” cho Jesus với bọn trẻ. Ngày nay, người ta nhận định bức tranh ấy “đã trở thành căn bản về sự hình tượng hóa Jesus đối với hàng trăm triệu người”.
Vậy thì Jesus - một người đàn ông Do Thái sống ở vương quốc Judea vào khoảng thể kỷ thứ nhất sau Công nguyên - có phải là một người da trắng? Nếu không, thì ngài có nước da màu gì?
Khó có thể tìm thấy một câu trả lời xác đáng trong những tập thánh thư. Sách “Khải huyền” mô tả một mặc khải về con của Chúa với mái tóc trắng như len, đôi mắt bừng bừng như lửa, gương mặt như vầng thái dương và hai bàn chân như đồng trong lò nung. Điều đó có nghĩa Jesus có khả năng là một người da nâu (màu đồng) nhưng đáng tiếc, đây chỉ là hình ảnh Jesus ở trạng thái thánh linh chứ không phải Jesus khi sống giữa con người. Còn trong những hadith (những ghi chép về lời dạy của nhà tiên tri Muhammad của Hồi giáo, dù tôn giáo này không coi Jesus là con Chúa), có mô tả thì cho rằng Jesus có nước da hồng hào, nhiều tàn nhang, trông như thể vừa mới đi tắm xong, có mô tả thì bảo Jesus có nước da nâu và mái tóc thẳng.
Sẽ ra sao nếu Jesus là một người Triều Tiên? Tranh của cố họa sĩ Kim Ki-chang, tái hiện bữa tối cuối cùng, giống như chủ đề họa phẩm của Leonardo da Vinci. |
Câu hỏi về ngoại hình của Chúa Jesus được những nhà nhân chủng học đón nhận. Trong một nghiên cứu được tài trợ bởi các kênh truyền hình BBC, Discovery và France 3, dựa theo những bộ xương còn lại của người Do Thái sống cùng thời kỳ tại Judea và Ai Cập, các nhà khoa học đi đến kết luận gây choáng váng đối với nhiều người rằng: Không, Jesus mà những tín đồ Cơ Đốc hằng yêu kính khác xa với Jesus thực sự. Ngài giống hệt những người cùng thời với mình (như trong Kinh thánh, Judas đã phải chỉ điểm ngài trong đám đông). Điều đó có nghĩa là ngài không có nước da trắng lợt lạt như Leonardo da Vinci mô tả. Ngài có nước da tối màu, rám nắng, chiếc mũi lớn, cặp môi dày. Nói cho đúng, Jesus là một người da nâu.
Điều này có quan trọng tới thế hay không? Đằng nào thì Chúa là của mọi nhà và của mọi người, ngài đón nhận tất cả những ai muốn tin vào ngài và việc nghiên cứu ngoại hình thực sự của Jesus bằng cách nghiên cứu những cái xác mục ruỗng của người phàm có vẻ như là một sự tầm thường hóa đấng Cứu thế. Nó hàm ý ngài không vô tận, không chứa đựng tất cả mà ngài cũng bị giam nhốt trong một cơ thể hữu hạn như mọi đời sống hữu tử khác.
Thực ra, sự phóng tác Jesus thành một người da trắng là hết sức bình thường, một họa sĩ cũng có thể vẽ ngài là một người da vàng hay một người da đen cũng được. Nhưng, một khi hình tượng ấy bị lợi dụng để tạo lợi thế chính trị cho một nhóm người thiểu số thì màu da của Jesus trở nên vô cùng quan trọng. Jesus đâu phải là một cá nhân đơn lẻ, Jesus là ý chí của thần thánh, ngài là đức tin và đứng ở trung tâm với hàng tỉ tín đồ thờ phụng mình và sự tưởng tượng về Jesus như một người đàn ông da trắng thuần chủng một cách vô hình đã củng cố những lời dối trá rằng người da trắng ưu việt hơn và là bá chủ thế giới. Jesus là một phần thiết yếu trong chiến dịch “truyền thông” về sự thông tuệ, xuất chúng của chủng tộc Caucasian. Sự tích lũy hình ảnh về một Jesus da trắng cũng là bước đà chuẩn bị cho công cuộc thực dân hóa của những nước châu Âu vào thế kỷ 19. Nếu Jesus là một người da nâu, làm sao họ biện minh được sự tàn bạo của mình đối với châu Phi hay với người Ấn Độ?
Và nếu như nước da của Jesus không quan trọng, vậy tại sao vào tháng 9 vừa qua, khi Học viện Giáo hoàng về sự sống của tòa thánh Vatican đăng lên hình ảnh bức điêu khắc Pièta của Michelangelo, chỉ khác ở chỗ, Jesus nằm trong tay Đức Mẹ được chuyển thành một người da đen, lại vấp phải phản ứng dữ dội, bị mạt sát như một sự báng bổ, xúc phạm, lăng mạ, thậm chí là dị giáo? Chúa, từ một người đàn ông đến từ Trung Đông, giờ đây đã trở thành sự ban ơn của lục địa già đối với nhân loại. Họ có thể chấp nhận Chúa là của mọi người, ngài có thể thoải mái cứu độ chúng sinh nhưng ngài vẫn cứ phải là người da trắng.
Sự khám phá về căn tính thực sự của nhân vật Jesus ở Nazareth không nhằm để xóa sổ một Jesus mắt xanh, hay để ném Jesus vào một vòng rối ren “tầm thường” trong cuộc tranh luận rằng da đen, da nâu hay da trắng mới là nguồn cội của tính thiêng liêng. Dữ liệu khoa học về ngoại hình của Jesus chỉ đơn giản là một sự đa dạng hóa hình ảnh của Chúa và nếu nói ngài không thể bị giam cầm trong một thân xác bé nhỏ, vậy đừng quy giản ngài thành một ông già Noel thứ hai của dịp Giáng sinh.
Vào những năm 1950 khi cuộc chiến tranh Triều Tiên giữa hai miền Nam - Bắc nổ ra, giữa bối cảnh tang thương ấy, một họa sĩ đã vẽ nên series “Cuộc đời của Chúa”, trong đó Jesus được “chuyển quốc tịch”. Ngài da vàng, tóc đen, mắt đen, đội mũ Gat, mặc áo Durumagi, rất giống với chàng Min Jeong-ho trong bộ phim “Nàng Dae Jang-geum” sau này. Jesus của Nazareth hoàn toàn hòa hợp trong một thời đại khác và một nền văn hóa khác. Không một chút gợn, chênh, một chút bất hợp lý nào, từng bức tranh về cuộc đời của Jesus Triều Tiên từ ngày sinh ra trong máng cỏ đến khi bị đóng đinh câu rút đơn giản là toát lên vẻ đẹp của sự toàn thiện, cũng toàn thiện không khác gì hình ảnh “ông giáo” Jesus của Warner Elias Sallman vậy.
Điều đó là đương nhiên thôi, bởi sự toàn thiện là giống nhau ở bất cứ đâu.Hiền Trang
Xem thêm: /443126-auhC-auc-ad-uaM/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna