Ngày 3-12 (giờ Mỹ), Mỹ đã ghi nhận hơn 3.157 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong một ngày, con số cao nhất mà Mỹ ghi nhận được kể từ đầu dịch đến nay, đài Channel News Asia đưa tin.
Con số này nhiều hơn số người thiệt mạng trong ngày 11-9 và vượt cả mốc cũ là 2.603 người được ghi nhận vào ngày 15-4, khi khu vực đô thị New York bùng phát dịch bệnh.
Theo Dự án Theo dõi COVID-19, số người nhập viện hiện nay cũng cao nhất từ trước đến nay, cao gấp đôi số người nhập viện trong tháng qua.
Những điều này cho thấy Mỹ đang tiếp tục chìm sâu hơn vào khủng hoảng dịch bệnh. Điều tồi tệ này diễn ra một phần là do những tác động từ lễ Tạ ơn, khi hàng triệu người Mỹ bất chấp cảnh báo dịch bệnh vẫn tụ tập để ăn mừng lễ.
Bác sĩ đang trò chuyện với bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Hạt Scotland được thành lập để cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Memphis, bang Missouri (Mỹ). Ảnh: AP/CNA
Trên khắp nước Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 gia tăng chóng mặt đã khiến các y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe gần như kiệt sức vì phải làm việc nhiều hơn thường ngày.
“Thực tế là tháng 12, tháng 1 và tháng 2 sẽ là thời điểm khó khăn. Tôi thực sự tin rằng thời gian sắp tới đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế công cộng của quốc gia này ” – Tiến sĩ Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm 2-12.
Đã hơn 1,5 triệu người chết vì đại dịch COVID-19
Ngày 3-12, thế giới chạm cột mốc nghiệt ngã với hơn 1,5 triệu ca tử vong do COVID-19, dù hiện nay một số quốc gia đã có kế hoạch cung cấp vaccine cho người dân.
Tại Ý, cơ quan y tế nước này cũng mới ghi nhận thêm 993 ca tử vong, vượt qua mức cao kỷ lục từng được ghi nhận hồi đầu năm, khi Ý là quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị đại dịch hoành hành. Ý hiện nay đã có 58.038 người chết trong số 1.664.829 ca nhiễm COVID-19.
Tính đến nay, nước Anh cũng đã ghi nhận hơn 60.000 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 1,6 triệu ca nhiễm, dù chính phủ nước này đã ban bố phong tỏa với nhiều quy tắc mới để phòng dịch COVID-19.
Iran, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông, đã có hơn một triệu ca nhiễm.
Cuộc đua vaccine
Khi thế giới mệt mỏi với những lệnh phong tỏa dẫn đến nền kinh tế tê liệt, sự chú ý đã chuyển sang cuộc đua vaccine.
Nước Anh hôm thứ 2-12 đã phê duyệt vaccine COVID-19 Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức), gây áp lực lên các quốc gia khác phải nhanh chóng làm theo.
Tuy nhiên, nhà khoa học hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết nước Anh đã "gấp" trong quá trình phê duyệt vaccine.
Khi thế giới mệt mỏi với những hạn chế kinh tế tê liệt, sự chú ý đã chuyển sang cuộc đua tìm vaccine. Ảnh: AFP
Bên cạnh vaccine của Pfizer/BioNTech, thử nghiệm cho thấy vaccine của Moderna (Mỹ) đã được chứng minh là có hiệu quả 94%, giúp hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể mạnh có thể tồn tại trong ít nhất ba tháng.
Dự đoán các loại vaccine sẽ sớm được chấp thuận nên nước Pháp cũng đã thông báo rằng việc tiêm chủng sẽ bắt đầu miễn phí vào tháng 1-2021. Đối tượng ban đầu là người già, rồi tiếp theo đó là những người có nguy cơ cao.
Chính phủ Bỉ cũng cho biết họ dự định bắt đầu tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất vào tháng 1 năm sau.
Những hy vọng tìm được vaccine hiệu quả không chỉ thu hút sự chú ý của chính phủ các nước. Tập đoàn công nghệ IBM hôm 3-12 nói rằng tin tặc đang nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng vaccine COVID-19. Gã khổng lồ công nghệ cho biết họ "không rõ" nếu một loạt vụ tấn công mạng mà họ phát hiện nhằm vào các công ty liên quan đến nỗ lực phân phối liều thuốc trên khắp thế giới có thành công hay không. IBM không thể xác định ai đứng sau các cuộc tấn công.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng ngay cả khi vaccine nhanh chóng được phê duyệt thì thế giới vẫn sẽ phải chống chọi với dư chấn của đại dịch. Ông Guterres cũng nhắc lại lời kêu gọi của mình rằng vaccine được coi là "hàng hóa công cộng toàn cầu" và sẽ được chia sẻ trên toàn thế giới.
Hơn 180 quốc gia đã tham gia tổ chức Covax, một sáng kiến hợp tác toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm làm việc với các nhà sản xuất để phân phối vaccine một cách công bằng.