Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 4.12 cho hay, theo thống kê sơ bộ đến hết tháng 11.2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua lên tới 34 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng 2% tổng dư nợ trên địa bàn.
Thống kê của các ngân hàng cho thấy, số khách hàng có dư nợ bị ảnh hưởng bởi bảo lũ lên tới trên 79.610 khách hàng. Tình trạng bão lũ đặc biệt lớn kéo dài trên diện rộng trong thời gian qua tại khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vào mùa bão năm nay được đánh giá là ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực. Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, các ngân hàng hiện đang triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau bão lũ. Đồng thời hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015, Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo Quyết định 50/2010 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó tính đến ngày 30.11.2020, các ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại nặng nề bởi bão lũ như Quảng Nam, Quảng Bình, Kon Tum, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... đồng loạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và khách hàng vay vốn khắc phục thiệt hại do bão lũ... Các ngân hàng đến nay đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ 262 tỉ đồng, miễn giảm lãi vay cho dư nợ 31.958 tỉ đồng, cho vay mới 8.375 tỉ đồng. Riêng hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện thủ tục khoanh nợ 86 tỉ đồng, xóa nợ 470 triệu đồng.
Về các giải pháp hỗ trợ người dân và khách hàng vay vốn trong thời gian tới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, chính sách của NHNN trong thời gian tới sẽ tập trung quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ vốn, hỗ trợ điều kiện về nguồn lực để tập trung, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất bằng việc khoanh lại, hoãn, giãn những khoản nợ cũ mà bà con chưa có điều kiện trả nợ được, cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi, lãi suất thấp để tạo điều kiện cho bà con có thể khôi phục lại khu vực sản xuất, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản đã bị thiệt hại do bão lũ. Bên cạnh đó, tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để bà con có nguồn và tiền để xây dựng lại nhà cửa, đổ vỡ, hỏng do bão lũ vừa qua. Cho vay tiêu dùng để mua sắm những trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. “Đây là những biện pháp tích cực để ngăn chặn tín dụng đen, lợi dụng những lúc khó khăn của bà con để tiếp cận với bà con” – ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các địa phương vùng mciền Trung và Tây Nguyên phối hợp triển khai xác định, xác nhận thiệt hại của đợt bão lũ trên địa bàn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh việc ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn, cân đối nguồn hỗ trợ ngân sách cho các địa phương miền Trung và Tây Nguyên để thực hiện khoanh nợ theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018. Đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi chính sách cho vay xây nhà phòng tránh bão, lũ.
Xem thêm: odl.887958-ned-gnud-nit-nagn-ed-nad-iougn-ohc-on-naig-naoh/et-hnik/nv.gnodoal