Trung Quốc có thể ví như cái nôi ra đời của bán hàng livestream. Những ông lớn thương mại điện tử tại đây đổ tiền để làm người dẫn đường, đồng bộ với hệ thống dữ liệu sẵn có, nhằm phục vụ đến tận chân người tiêu dùng.
Giao diện livestream được tối ưu hóa sao cho tiện nhất. Khi người mua hàng chọn một sản phẩm, cửa sổ live stream sẽ thu nhỏ lại cho người mua tiện thao tác nhưng không biến mất. Khi giao dịch kết thúc, cửa sổ được phóng to trở lại, người bán hàng vẫn nói chuyện và tiếp tục mời gọi khán giả đến với sản phẩm ưu đãi tiếp theo.
Đằng sau một livestream thành công bao giờ cũng là một ekip hùng hậu và rất chuyên nghiệp. Những livestream thành công nhất, mang lại doanh thu lớn, chốt được nhiều đơn hàng, lại là công sức của 1 nhóm làm việc tận tâm. Bên cạnh người xuất hiện trên màn hình, đằng sau đó cần có đội ngũ kỹ sư đảm bảo cho đường truyền phát trực tiếp trơn tru, nhân viên chăm sóc khách hàng - tập trung trả lời các câu hỏi trong suốt buổi livestream và 1 người điều phối chung các hoạt động, từ việc chuẩn bị nội dung kịch bản livestream, cho đến thống kê chốt đơn hàng.
Các nhà bán hàng tận dụng tối đa lợi thế của livestream (Ảnh: Alizila)
Không thể chỉ dựa vào tố chất một con người có thể mang đến sự thành công ngay lập tức, mà cần sự trau dồi và trải qua thời kỳ được dạy dỗ, chuyên sâu. Đằng sau sự thành công của một nền công nghiệp livestream luôn là hệ thống đào tạo, nhất là khi "livestreaming" đã được quốc gia này chính thức được công nhận là một nghề. Các trung tâm đào tạo ngôi sao mạng ở Trung Quốc đã được mở ra với mục tiêu hàng đầu: chuyên nghiệp hoá đội ngũ livestream.
Chuyên nghiệp hoá đội ngũ livestream tại Trung Quốc
Tại một lớp học tại thôn Thanh Nham Lưu, tỉnh Chiết Giang, bất kể người già, người trẻ hay cả tiểu thương, hay nông dân đều chăm chú học. Họ đang học làm giàu trên các nền tảng thương mại điện tử.
Ông Trần Nham Bình, người dân thôn Thanh Nham Lưu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cho biết: "Làng tôi bán măng tre, thấy các làng khác cũng đua nhau đi học nên tôi cũng đi học theo".
Mỗi khoá chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Học phí không hề rẻ, tính ra tiền Việt, trung bình khoảng 26 triệu đồng một khoá nhưng ai cũng quyết tâm, học cách làm giàu mới.
Mô hình trung tâm đào tạo TMĐT đã góp phần biến nhiều vùng nông thôn tại Trung Quốc trở thành những làng TMĐT nổi tiếng, người dân ăn nên làm gia. Thậm chí, các lớp đào tạo cũng đã mở ra cơ hội để những người khuyết tật, người yếu thế có thể tham gia vào thị trường lao động bằng cách bán hàng livestream.
Trung Quốc ban hành luật kiểm soát hoạt động livestream
Dù đã có 1 hệ thống từ đào tạo cho đến nền tảng chuyên nghiệp, tuy nhiên, do phát triển quá nóng nên nghề livestream bán hàng tại Trung Quốc vẫn không tránh khỏi những lần "dính phốt" về chất lượng hàng hoá, thuần phong mỹ tục hay tình trạng gian lận. Chính vì vậy, Trung Quốc đã không ngừng đưa ra những bộ quy tắc nhằm cải cách hoạt động livestream trở nên trong sạch và bền vững hơn.
Mới đây nhất, giới chức Trung Quốc yêu cầu người livestream phải đăng ký bằng tên thật. Mọi sự xuất hiện của người nổi tiếng hay người nước ngoài đều phải được báo cáo trước. Bất kỳ sự kiện thương mại điện tử phát trực tiếp có quy mô lớn đều phải đăng ký với cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc trước 14 ngày. Trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi sẽ không được phép tặng tiền hay quà ảo cho những người phát trực tiếp. Các nền tảng cần phải phân bổ nhân sự riêng, để kiểm duyệt các kênh livestream.
Trước đó, từ đầu tháng 1 năm nay, giới chức Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều bộ quy chuẩn, chẳng hạn như quy định chuẩn hoá giám sát chất lượng hàng hoá giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Quy định đánh giá chất lượng hàng hóa theo 5 cấp độ rủi ro; hàng hóa có độ rủi ro rất cao hoặc rủi ro cao sẽ bị đưa vào diện giám sát trên mạng; còn hàng hóa rủi ro trung bình chỉ tiến hành xác nhận.
Trung Quốc siết chặt quản lý hình thức livestream
Theo phóng viên Thái Bình, thường trú Đài truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc, việc bắt buộc khai đúng tên họ, theo nhiều chuyên gia sẽ nâng cao trách nhiệm của người livestream trên các nền tảng video giải trí còn việc giới hạn số tiền mà người xem tặng cho người livestream thông qua hình thức quà ảo cũng phần nào hạn chế những biến tướng khiêu dâm hay ăn nói thiếu chuẩn mực của người livestream để được nhiều quà.
Những quy định mới này cũng khiến cho những người làm nghề lo lắng ít nhiều về thu nhập giảm cũng như cân nhắc hơn về lời nói, cử chỉ bởi nếu sai sẽ bị đưa vào danh sách đen.Với thương mại điện tử, giờ đây, người livestream cũng bị liên đới trách nhiệm, nếu giới thiệu hàng hóa hàng giả hay nói quá sự thật. Không ít nền tảng xã hội lo lắng nhưng họ cũng phải chấp hành, vì nếu không có bộ lọc tốt về nội dung, về xét tư cách đạo đức người livestream thì sẽ dễ bị liên đới trách nhiệm. Dư luận cũng hy vọng nó sẽ làm lành mạnh hơn thuần phong mỹ tục trên thế giới mạng. Đa phần các cơ quan báo chí Trung Quốc đều ủng hộ những quy định mới này bởi nó là nền tảng để từng bước đưa lĩnh vực thời thượng này, với doanh số hàng tỷ đô mỗi năm này phát triển đúng hướng.
Mọi cuộc cách mạng đều bắt nguồn từ những tình thế chủ quan hay khách quan dồn con người đến mâu thuẫn và giới hạn. COVID-19 là một áp lực như vậy, ở đó, việc buộc con người phải thay đổi hành vi tiêu dùng đang tạo ra một mô hình kinh doanh "ngồi nhà bán hàng khắp thế gian".
Livestream bán hàng đã trở thành một ngành công nghiệp nở rộng tại Trung Quốc, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19 (Ảnh: China Daily)
Từ khởi nguyên cuộc cách mạng số 4.0, đến COVID-19 đã thiết lập nên những trạng thái kinh tế mới, san phẳng và rút ngắn khoảng cách, tạo nên một cơ hội vàng cho những nền kinh tế biết tranh thủ thời cơ để tìm ra con đường mới, dựa trên công nghệ mà rất có thể livestream bán hàng là một trong những hình thái khởi đầu tạo nên lịch sử.
Từ Jack Ma đến bà lão nông dân 80 tuổi đều là nhân tố của nền kinh tế không chạm này. Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng chốt đơn này? Làm sao từ một hiện tượng, trào lưu trở thành một nền công nghiệp livestream? Chương trình Tạp chí kinh tế cuối tuần phát sóng ngày 5/12 với khách mời là ông Nguyễn Hoà Bình, đôi khi vẫn được gọi là Shark Bình, sẽ thảo luận về những vấn đề này.
VTV.vn - Không chỉ đơn thuần là bán hàng cho khách nội địa, các công ty Trung Quốc đang chiêu mộ thêm người nước ngoài livestream bán hàng, đưa sản phẩm gần hơn với người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.39755441150210202-nod-tohc-gnam-hcac-couc-ohc-uad-nod-ed-maertsevil-aoh-nauhc/et-hnik/nv.vtv