Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, các doanh nghiệp nước này đã ký hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang Trung Quốc theo các hợp đồng từ tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau với giá khoảng 300 USD một tấn.
"Lần đầu tiên Trung Quốc mua gạo của chúng tôi. Họ có thể tăng cường nhập khẩu vào năm sau khi chứng kiến chất lượng mùa vụ tại Ấn Độ", ông Krishna Rao nói.
Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt là nước xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Mỗi năm, Bắc Kinh nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, dù vậy đã tránh mua từ Ấn do các vấn đề liên quan chất lượng. Hoạt động thương mại này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có căng thẳng chính trị vì tranh chấp ở khu vực biên giới.
Phía Ấn Độ cho biết, nguyên nhân Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu là các nước cung ứng gạo truyền thống của Trung Quốc như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Pakistan năm nay đều hạn chế xuất khẩu và báo giá cao hơn gạo Ấn 30 USD một tấn.
Vì hạn hán, năng suất lúa của Thái Lan đã bị sụt giảm mạnh. Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2020 có thể chỉ còn 6,5 triệu tấn, thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. Trong khi đó, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, đồng thời là nhà cung cấp lương thực chính cho Trung Quốc.
"Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua gạo từ Ấn Độ", ông Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành công ty lương thực Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ bình luận. "Tôi không biết việc này sẽ kéo dài trong bao lâu nhưng ít nhất, hoạt động mua bán đã khởi động", ông nói thêm.
Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa chính thức đưa ra các thông tin liên quan về vấn đề này.
"Trung Quốc mua gạo từ Ấn Độ, Mỹ hay bất cứ nước nào chỉ nhằm tăng sự đa dạng cho thị trường nội địa, còn thực chất điều này tác động rất hạn chế đến thị trường của họ", Yin Xiuying, chuyên gia phân tích của website thương mại ChinaGrain có trụ sở ở Cáp Nhĩ Tân nói. "Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu hoặc tiếp tục mua thêm gạo từ Ấn Độ", Yin bổ sung.
Đức Minh (Theo Reuters)