Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, bất chấp Covid-19, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN tiếp tục bị ảnh hưởng. Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt GVMCP của nhà ĐTNN đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên mức độ giảm cũng đang được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Đặc biệt, trong năm nay, Việt Nam đã đón được 5 dự án lớn.
Dự án FDI lớn nhất năm nay là Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp GCNĐKĐT ngày 16/1/2020). Chỉ với duy nhất 1 dự án cấp mới này, Bạc Liêu liên tục dẫn đầu cả nước về FDI từ đầu năm, vượt xa TP.HCM. LNG Bạc Liêu cũng là dự án khiến Singapore liên tục là nhà đầu tư dẫn đầu, cho dù số dự án chỉ đứng thứ tư so với các nước, với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Đến nay, Công ty Delta Offshore Energy đã trình các hồ sơ pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Riêng việc đàm phán chính thức với EVN về hợp đồng mua bán điện (PPA) thời hạn 25 năm sẽ được ký kết vào cuối năm nay.
Công tác Thiết kế kỹ thuật (FEED) sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, cho phép bắt đầu triển khai Dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy điện sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024 theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Dự án lớn thứ hai hiện tại là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Long Sơn Petrochemicals - LSP) mà SGC đầu tư, đang được triển khai tại Bà Rịa-Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD.
Trong buổi gặp với Thủ tướng, Chủ tịch SCG Roongrote Rangsiyopash bày tỏ chân thành cảm ơn các bộ, ngành Việt Nam đã tạo điều kiện về các thủ tục, giấy phép cho dự án LSP. Song ông giải thích, vừa qua, dự án LSP có chậm tiến độ đôi chút, chủ yếu do các nhà cung cấp thiết bị ở châu Âu. Tuy nhiên, tính chung, đến nay, dự án đã hoàn thành 62% tiến độ. Tập đoàn đang nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để khắc phục việc chậm tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án đi vào vận hành cuối năm 2022 như đã cam kết.
Thứ ba là dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD. Dự án Starlake Tây Hồ Tây do Công ty TNHH Phát triển T.H.T làm chủ đầu tư 100%. Tổng số vốn đầu tư của dự án theo công bố ban đầu là 548 triệu USD. Với việc tăng vốn thêm 774 triệu USD, dự án có số vốn đầu tư hiện nay là hơn 1,3 tỷ USD. Hiện Daewoo Engineer & Construction là đơn vị nắm giữ 100% vốn của T.H.T. Starlake cũng là dự án chung cư đầu tiên tại Hà Nội do Daewoo làm chủ đầu tư
Thứ tư là dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại Hải Phòng (cấp GCNĐKĐT ngày 30/10/2020). Pegatron là đối tác của nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Apple hay Sony...
Cuối cùng trong top 5 là dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc Jinyu Tire đầu tư tại Tây Ninh (cấp GCNĐKĐT ngày 21/1/2020). Jinyu Tire là tập đoàn sản xuất lốp xe Trung Quốc, đạt danh hiệu top 75 trên Thế giới. Các sản phẩm của Jinyu Tire được phân phối rộng khắp Trung Quốc và hơn 100 quốc gia trên thế giới. Nhà máy sản xuất lốp xe TBR Jinyu Tire được quyết định đầu tư tại Việt Nam với công suất dự kiến 2.000.000 sản phẩm/năm.
Xem thêm: mth.99610002150210202-0202-man-auc-gnuhk-idf-na-ud-5-ial-meid/nv.ahos