Từ trưa 5-12, GrabCar đồng loạt điều chỉnh giá cước tối thiểu tăng 2.000 đồng - Ảnh: T.T.D.
Giới tài xế cũng than vì ế khách, nhiều người kêu bị tăng mức chiết khấu phải đóng cho hãng xe công nghệ khiến thu nhập càng giảm.
Thuế tăng, cước xe tăng
Hiện đã có 2 ứng dụng Grab và Baemin chính thức thay đổi việc áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) mới, vì vậy giá cước từng loại dịch vụ cũng tăng theo.
Lúc 11h ngày 5-12, Grab đồng loạt điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo.
Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi kilômet tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng. Ứng dụng gọi thức ăn của Hàn Quốc Baemin công bố tỉ lệ chiết khấu của tài xế áp dụng từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5-12.
Đại diện Grab cho biết điều chỉnh giá lần này là áp dụng quy định mới của nghị định 126/2020, VAT tăng từ 3% lên 10% với xe công nghệ. Để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế, nền tảng đặt xe này đã phải tăng giá cước cơ bản các dịch vụ.
Theo đó, tỉ lệ chiết khấu tài xế GrabCar phải nộp cho hãng cũng từ 28,375% tăng lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.
Hành khách bất ngờ, tài xế mệt mỏi
Chị Nguyễn Quỳnh Vy (quận Phú Nhuận) cho biết hằng ngày chị đi từ đường Trường Sa đến Đinh Tiên Hoàng (Q.1), cự ly hơn 5km với giá GrabCar 45.000 đồng. Tuy nhiên sáng 5-12 bật app lên thì giá tới 60.000 đồng. Điều này khiến khách hàng "ruột" của Grab như chị cũng cân nhắc lại.
Không chỉ tăng giá dịch vụ, thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị tính thêm 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Với các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe.
Dù theo lý giải của cơ quan thuế là tăng VAT với xe công nghệ lên 10% sẽ không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế, tuy nhiên nhiều tài xế khẳng định bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt đối với cuốc ngắn cự ly 2-5km, sau khi trừ chi phí thuế, phí sử dụng dịch vụ... số tiền thực nhận chỉ bằng giá ly cà phê bình dân.
Anh Nguyễn Văn Tiến - tài xế GrabBike - cho biết làm từ 5h sáng đến 16h tổng doanh thu mới được 200.000 đồng. Anh Tiến nói đây chỉ là doanh thu, sau khi trừ chiết khấu 27,273%, xăng dầu... thì chẳng còn bao nhiêu. Đơn cử cuốc xe mới nhất anh chở khách cự ly 3km với giá 21.000 đồng. Thế nhưng trừ tiền phí ứng dụng, thuế cho cuốc xe này 5.455 đồng + 1.000 đồng phí nền tảng, tài xế nhận về chỉ 15.000 đồng.
"Đó là chưa tính xăng, điện thoại, hao mòn. Trừ xong, tài xế chẳng còn gì nữa trong khi khách đặt xe ngày càng ít. Chạy cuốc ngắn số tiền thực nhận chẳng đáng là bao. Tôi tính chuyển nghề, chứ kiểu này không đủ ăn" - anh Tiến nói.
Trong khi đó, một số ứng dụng gọi xe như Be, Gojek vẫn chưa thông báo tăng cước dù nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5-12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện BeGroup lý giải đơn vị này tiếp tục chờ thông tư hướng dẫn cụ thể để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế. Tương tự, Gojek VN cho biết đang tiếp tục trao đổi với cơ quan chức năng nhằm hiểu rõ quy định để phân tích, điều chỉnh, đảm bảo kết quả tốt nhất.
Giải thích, đại diện Grab cho hay chờ thông tư hướng dẫn sẽ lâu, cơ quan thuế sẽ tính VAT từ ngày 5-12. Hãng phải điều chỉnh ngay để tránh bị truy thu thuế, nộp phạt.
Nhìn nhận về việc tăng VAT lên 10% với xe công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng VAT là một loại thuế gián thu, bản chất đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay. Vì vậy, tăng thuế đương nhiên sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.
Chủ shop online đắn đo
Chị Hoàng, chủ một shop thời trang trẻ em trên mạng xã hội, cho biết chị thường dùng dịch vụ giao hàng nhanh của các hãng gọi xe công nghệ vì nhanh, tiện và an toàn (tỉ lệ thất lạc đơn hàng thấp) với những đơn hàng nội thành. Tuy nhiên, khi giá dịch vụ giao hàng của hãng gọi xe công nghệ tăng, chị phải tính lại. Đa số khách hàng mua đơn hàng số tiền không lớn mà phải chịu tiền ship 20.000 - 30.000 đồng họ sẽ đắn đo.
Theo chị Hoàng, trước đây với đơn hàng trị giá 500.000 đồng trở lên giao trong khu vực nội thành, chị sẵn sàng hỗ trợ phí giao hàng. Nhưng tuần rồi để chuyển một đơn hàng từ Q.Tân Bình về Q.1, phí đã tăng lên đến gần 100.000 đồng, cao vô lý. Vì vậy, shop của chị Hoàng áp dụng chính sách mới từ ngày 15-12, mua đơn hàng 1 triệu đồng trở lên mới được hỗ trợ phí giao hàng.
Dù số đơn hàng chưa giảm nhiều nhưng khách đều nhắn hỏi khiến chị cũng băn khoăn. Cửa hàng đã lên kế hoạch tìm thuê người giao hàng khi mùa kinh doanh cuối năm đang đến.
Nhiều năm bán hàng online, chị Tình, chủ gian hàng về mỹ phẩm, cũng cho biết giao hàng là yếu tố quyết định khách có quay lại hay không. Hiện chị Tình đã ký hợp đồng với hai đơn vị giao hàng chuyên nghiệp, phí rẻ hơn nhiều so với các ứng dụng xe công nghệ, chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/đơn.
Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh online, cùng với việc điều chỉnh phí dịch vụ, mới đây Grab có chương trình Hội chủ shop VIP GrabExpress hỗ trợ các chủ shop là đối tác của GrabExpress, giảm chi phí giao hàng bằng các mã ưu đãi. Do đó, với việc điều chỉnh cước phí như hiện nay, cuối cùng thiệt vẫn là người tiêu dùng vì các chủ shop sẽ tìm những cách khác nhau để có giá tốt nhất. Với người tiêu dùng cá nhân, khi có nhu cầu, họ không có nhiều dịch vụ để lựa chọn.
N.BÌNH
Đau đầu vì đủ thứ phí
Hãng xe công nghệ tăng giá khiến nhiều cửa hàng lo lắng - Ảnh: B.MAI
Giá cước giao khi dùng GrabFood mới áp dụng tại TP.HCM và Hà Nội kể từ đầu tháng 12 là 15.000 đồng/3km đầu, tăng 3.000 đồng so với giá cũ. Ngoài phí giao hàng, người dùng GrabFood còn gánh "phí chồng phí".
Chị Thanh Thùy (26 tuổi, Q.Bình Thạnh) đặt món cơm thịt kho trứng kèm canh với giá hiển thị là 32.000 đồng qua ứng dụng Grab. Tuy nhiên tổng số tiền chị phải trả là 52.000 đồng, bao gồm 15.000 đồng phí giao hàng với tuyến đường 2,5km. Ngoài ra chị còn phải trả 2.000 đồng phí dịch vụ, cộng 3.000 đồng "phí đơn hàng nhỏ" vì đặt tổng tiền món ăn ít hơn 50.000 đồng. "Tổng các loại phí nhiều khi cao hơn giá đồ ăn, nên nếu ăn một mình tôi sẽ không đặt", chị Thùy nói.
Ông Nguyễn Hoàng Tiễn (giám đốc điều hành chuỗi cà phê Coffee Bike) lo việc GrabFood tăng phí giao hàng chắc chắn ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng. Phần lớn khách hàng mua nước, trà sữa, cà phê... trên ứng dụng giao đồ ăn vì được giảm giá. Nhưng nếu 1 ly cà phê giá 20.000 - 25.000 đồng, phí giao hàng và kèm nhiều loại phí khác cộng thêm 20.00 đồng nữa sẽ ít người mua, trừ khi có chương trình khuyến mãi", ông Tiễn nói.
Theo tìm hiểu, hiện tại nhiều ứng dụng giao đồ ăn khác cũng tăng phí hoa hồng đối với người kinh doanh. Theo đó, để được bán trên ứng dụng giao đồ ăn, được chạy chương trình quảng cáo, ưu tiên xuất hiện khi khách tìm món... cửa hàng phải trả phí hoa hồng dao động 20-30%. Điều này đồng nghĩa 1 ly nước bán ra giá 30.000 đồng, cửa hàng phải trả lại cho ứng dụng 6.000 - 9.000 đồng hoa hồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (chủ một quán cơm ở Q.Bình Thạnh) chia sẻ gần đây lượng khách đặt đồ ăn ở quán có dấu hiệu giảm. Do đó, ông sẽ theo dõi thêm để xem việc tăng giá cước giao đồ ăn của GrabFood ảnh hưởng như thế nào. Trường hợp khách giảm mạnh, ông Tuấn sẽ cân nhắc về việc kinh doanh trên ứng dụng này.
BÔNG MAI
TTO - Bắt đầu từ 5-12, hành khách đi xe công nghệ phải chi thêm tiền với mức tăng theo từng kilomet (km). Các tài xế lo ngại người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong việc đặt xe dẫn đến tình trạng ế ẩm, giảm thu nhập.
Xem thêm: mth.43623442250210202-uek-gnuc-ia-aig-gnat-ehgn-gnoc-ex/nv.ertiout