vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành triển lãm cầm cự chờ đợi quay trở lại với ánh đèn sự kiện

2020-12-06 11:41

Ngành triển lãm cầm cự chờ đợi quay trở lại với ánh đèn sự kiện

Hùng Lê

(TBKTSG Online) - Hầu hết các công ty tổ chức các sự kiện triển lãm, hội chợ đều rơi vào tình trạng không có doanh thu hoặc bị sụt giảm mạnh về doanh số trong năm 2020. Họ đang cố gắng cầm cự, nỗ lực tồn tại với niềm tin rằng nhu cầu quảng bá sản phẩm, dịch vụ qua các sự kiện truyền thống sẽ "bùng nổ" trở lại khi dịch bệnh qua đi.

Hội chợ Vietnam Expo 2020 là một trong những sự kiện hiếm hoi được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3 đến 5-12 tại Trung tâm triển lãm SECC, TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

Những thông tin này được ghi nhận tại Hội nghị các giải pháp ổn định và phát triển ngành hội chợ - triển lãm trong năm 2021 và các năm tiếp theo do Công ty Liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn tổ chức hôm 4-12.

Điêu đứng với một năm không có doanh thu

Là một công ty quốc tế có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tổ chức sự kiện và triển lãm quốc tế, thế nhưng Công ty Reed Tradex Vietnam trong năm 2020 phải hủy bỏ tất cả các sự kiện dành cho cộng đồng các tổ chức, doanh nghiệp công nghiệp vì dịch Covid-19.

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Reed Tradex Vietnam, cho biết định kỳ hàng năm, công ty tổ chức 4 cuộc triển lãm quy mô lớn tại TPHCM và Hà Nội với 60-80% là khách hàng doanh nghiệp nước ngoài. Dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, kéo theo đó là các biện pháp hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia được áp dụng, cũng như các quy định về hạn chế tụ tập đông người vào một số thời điểm khiến ngành tổ chức triển lãm nói chung và Reed Tradex Vietnam nói riêng đành phải hủy bỏ tất các các sự kiện. Cả một năm 2020, công ty không có doanh thu.

"May mà công ty mẹ có các mảng hoạt động kinh doanh khác nên đã hỗ trợ để bù đắp phần nào cho công ty ở Việt Nam để duy trì bộ máy hoạt động", ông Tài chia sẻ.

Tương tự, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mỗi năm tổ chức 3 cuộc triển lãm - hội chợ quy mô lớn, trong đó hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam với hơn 2.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia và là hội chợ chuyên ngành lớn nhất khu vực ASEAN, cũng phải ngừng lại vì Covid-19.

Đại diện HAWA, ông Huỳnh Văn Hạnh, cho biết do không tổ chức được sự kiện nào trong năm 2020 này nên mảng hoạt động này không có doanh thu. "Doanh số bằng không, nguồn thu mất đi mười mấy tỉ đồng", ông Hạnh cảm thán và cho rằng dịch Covid-19 quá khắc nghiệt, không chỉ gây thiệt hại đến nhà tổ chức triển lãm mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch xúc tiến kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp trong ngành.

Cùng chung tình cảnh khó khăn là Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam, khi Tổng giám đốc Dương Trí Dũng cho biết phần lớn những cuộc triển lãm và hội chợ định kỳ của công ty cũng phải hủy bỏ.

Có một số cuộc triển lãm do việc hủy bỏ quá gần ngày diễn ra sự kiện khiến công ty không chỉ mất doanh thu mà còn phải chấp nhận đền bù thiệt hại tiền vé máy bay cho các nhà (doanh nghiệp) triển lãm.

Khách thích tận tay sờ, nắm sản phẩm tại triển lãm hơn là xem qua sự kiện trực tuyến. Ảnh: Hùng Lê

Xoay chuyển nhiều cách tồn tại

Khi các nhà tổ chức triển lãm hội chợ điêu đứng thì các đơn vị cho thuê mặt bằng tổ chức các sự kiện này cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn theo như lắp đặt gian hàng, hậu cần (logistics), vận tải,... cũng khó khăn trăm bề.

Bên lề diễn đàn, chia sẻ với TBKTSG Online, bà Thượng Mỹ An, Tổng giám đốc Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), cho biết năm 2020 các công ty tổ chức triển lãm - hội chợ đăng ký 48 sự kiện, thế nhưng đến hết tháng 11 vừa rồi tại SECC chỉ có 8 sự kiện được diễn ra.

Còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2020, SECC cũng chỉ còn 2 sự kiện đã đăng ký trước đó, nhưng chưa rõ sẽ ra sao với tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố hiện nay cũng như trên thế giới, bà An cảm thán.

Không chỉ SECC khó khăn và giảm mạnh doanh thu, tại diễn đàn, những nỗi khó khăn của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho ngành cũng đã được chia sẻ. Vì không có sự kiện mà nhiều người lao động, nhân sự trong ngành phải xoay xở đi làm những việc khác để kiếm sống như chạy xe công nghệ, phụ bán cà phê, bán hàng online,...

"Nhiều anh em dàn dựng gian hàng vốn thuần thục việc leo trèo trên cao trước đây giờ đây có vẻ không còn quen với công việc này khi có sự kiện được tổ chức trở lại", bà An chia sẻ.

Đối với các nhà tổ chức triển lãm - hội chợ, do không tổ chức sự kiện trực tiếp nên đã chuyển thành các sự kiện triển lãm trực tuyến (online) nhằm tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, đồng thời tạo cơ hội kết nối với khách hàng vì các lý do không thể tham dự.

HAWA được đánh giá là nhanh nhạy với thời cuộc đã đưa vào nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE, giới thiệu khoảng 100 showroom trực tuyến (Virtual Showroom) của các nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất Việt Nam. Đây là một bước chuyển đổi linh hoạt và thích ứng kịp thời của HAWA để hỗ trợ nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tiếp cận khách hàng thế giới.

Mặc dù HOPE thu hút được khoảng 14.000 khách hàng viếng thăm nhưng đại diện HOPE khẳng định đây chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể thay thế các cuộc triển lãm trực tiếp. Bởi tâm lý khách hàng tham gia sự kiện luôn mong muốn được trực tiếp trao đổi và sờ, ngắm từng sản phẩm. 

Tương tự theo ông Vũ Trọng Tài, Reed Tradex Vietnam cũng tổ chức triển lãm Metalex dưới hình thức trực tuyến với 110 nhà triển lãm, thu hút khoảng 2.000 khách tham quan. Tuy nhiên, theo ông Tài, nhiều khách tham quan cũng không thích lên mạng xem. Khách viếng thăm gian hàng trực tuyến với thời gian ngắn chỉ khoảng 60 phút, trong khi trung bình khách tham quan gian hàng trực tiếp là 3 tiếng.

Các hội chợ thương mại ảo cung cấp cơ hội mới cho các nhà sản xuất và với việc loại bỏ rào cản địa địa lý, các công ty có thể tiếp cận lượng khán giả lớn hơn. Tuy nhiên, các nhà tổ chức sự kiện hội chợ, triển lãm cho rằng mô hình "ảo" này chỉ mang tính hỗ trợ, không thể thay thế triển lãm trực tiếp. 

Mặt khác, câu hỏi đặt ra là các cuộc triển lãm ảo có thực sự tạo ra doanh thu cho các công ty hay không.Theo ông Tài và các nhà tổ chức khác thì dường như chỉ mang tính hỗ trợ khách hàng, doanh thu mang về không đáng bao nhiêu.

Kỳ vọng "bùng nổ" trở lại từ giữa năm 2021

Các nhà tổ chức triển lãm, hội chợ, cung cấp dịch vụ ngồi lại thảo luận tìm biện pháp phát triển ngành trong thời gian tới. Ảnh: Hùng Lê

Đã tham gia hoạt động ngành này hơn 30 năm qua, ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam, cho biết chưa gặp tình cảnh nào như dịch Covid-19, khiến tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành phải điêu đứng, không làm gì được cả.

Nhắc lại dịch SARS năm 2014, ông Dũng cho biết ngành này cũng chỉ bị ảnh hưởng 3-6 tháng, trong khi Covid-19 kéo dài gần cả năm trời mà cũng chưa biết khi nào hết, doanh nghiệp hoàn toàn vào thế bị động.

Oái ăm là khi dịch bệnh xảy ra, ngành tổ chức hội chợ triển lãm bị ảnh hưởng tức thì nhưng để hồi phục thì lại chậm hơn nhiều ngành nghề khác vì có độ trễ, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, nếu dịch qua đi thì cơ hội cho ngành này ở Việt Nam rất lớn. Ông Dũng dự báo, trong 5 năm tới, ngành hội chợ - triển lãm trong nước sẽ phát triển vượt bật, và sẽ ổn định những năm sau đó. Cơ sở này dựa vào sự hội nhập sâu rộng của đất nước, tăng trưởng kinh tế, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư dòm ngó đến thị trường Việt Nam để giới thiệu quảng bá sản phẩm... ông Dũng nói.

"Thực trạng hiện nay là rất khó, nhưng các doanh nghiệp cần cố gắng để sinh tồn nhằm đón cơ hội của ngành phát triển", ông Dũng nói và hy vọng ngành sẽ phục hồi trở lại từ tháng 6 tới.

Ông Huỳnh Văn Hạnh cũng lo lắng Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam thường kỳ sẽ diễn ra vào tháng 3 hàng năm, nhưng với tình hình dịch bệnh thế giới còn bùng phát và tại TPHCM lại mới phát hiện trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng thì nguy cơ cuộc triển lãm này cho năm 2021 khó diễn ra.

Ông Hạnh cũng hy vọng thời điểm "sáng sủa" trở lại của ngành có thể từ giữa năm tới và ông tin hội chợ, triển lãm ngành gỗ trong nước tiếp tục trở thành những sự kiện chuyên ngành lớn đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á vì doanh nghiệp Việt Nam đang có thế mạnh phát triển.

Lãnh đạo Reed Tradex Vietnam cũng kỳ vọng đến giữa năm 2021 sẽ là thời điểm đánh dấu trở lại của ngành sau Covid-19, nhưng khả năng chỉ bằng khoảng 80% so với thời điểm trước đây.

Các nhà tổ chức triển lãm kỳ vọng trong thời gian này, các đơn vị cung cấp hạ tầng không gian mặt bằng, dịch vụ các sự kiện tổ chức triển lãm, hội chợ trong thời gian này cần chuẩn bị kỹ sẵn sàng để có thể quay trở lại thị trường một cách tốt hơn.

Trong vai trò là nhà cung cấp mặt bằng tổ chức quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại, bà Thượng Mỹ An cho biết công ty bà đang triển khai việc phát triển giai đoạn 2 nhà triển lãm B tại SECC đúng tiến độ nhằm đưa vào khai thác vào giữa năm tới, đáp ứng nhu cầu thị trường triển lãm, hội thảo, hội nghị,... tăng lên khi dịch bệnh qua đi.

Theo đại diện SECC, nhà triển lãm B với quy mô xây dựng 475 quầy triển lãm tiêu chuẩn và dịch vụ đi kèm đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng diện tích triển lãm trong nhà tại SECC lên tương đương 1.000 gian hàng tiêu chuẩn cùng nhiều cơ sở vật chất tiện ích khác đạt tiêu chuẩn quốc tế.

SECC là một trong những sảnh triển lãm của Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, xây dựng và không gian của ngành công nghiệp triển lãm.

Xem thêm: lmth.neik-us-ned-hna-iov-ial-ort-yauq-iod-ohc-uc-mac-mal-neirt-hnagn/404113/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành triển lãm cầm cự chờ đợi quay trở lại với ánh đèn sự kiện”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools