vĐồng tin tức tài chính 365

Con cháu đi học để thay đổi cảnh nghèo trên 'đảo ông Sắt'

2020-12-06 12:45
Con cháu đi học để thay đổi cảnh nghèo trên đảo ông Sắt - Ảnh 1.

Mỹ Linh (phải) là một trong hai thành viên từ trước đến nay sống trên đảo này học hết đại học - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

Khi biết chúng tôi muốn vượt sông qua tìm người ở "đảo ông Sắt", nhiều người sống gần đó tỏ ra ngạc nhiên: "Qua bên nớ làm chi đó? Tụi tui ở cách nhau chưa tới 100m mà không ai biết tên họ luôn".

Ông Sắt "chủ đảo"

Bên này bờ cồn Hến, chúng tôi cố gọi với sang hòn đảo nhỏ nhưng dường như vô vọng. Mọi thứ im lìm chìm trong làn sương đầu đông ở Huế đặc quánh vào sáng sớm. Khi sương tan, đảo mới dần lộ ra. Chàng thanh niên trạc tuổi đôi mươi trên đảo nghe tiếng gọi, vội lấy ghe sang đón...

Ông Võ Văn Vinh, 70 tuổi, người trên đảo, lớn tiếng mời khách vào nhà. Hỏi về sự hiện diện đặc biệt của đại gia đình trên hòn đảo này, ông Vinh nói dù từ nhỏ đến lớn ở đây nhưng chưa từng nghe ai kể tường tận. Loáng thoáng, ông nói rằng chỉ biết cả trăm năm qua có bốn đời trong đại gia đình mình sống trên đảo này.

Ban đầu, ông Võ Văn Lái (ông nội của ông Vinh) là dân vạn đò, lên đây cất tạm một căn nhà nhỏ để trú ngụ. Trên khoảng đất rộng chừng 500m2 hồi ấy, vợ chồng ông Lái đã khai hoang rồi trồng rau củ, cây cối. 

"Ông bà nội tôi quyết định chọn nơi đây tá túc. Cái điện thờ Mẫu cũng được họ lập từ đó. Đến giờ con cháu vẫn thay nhau chăm sóc hằng ngày" - ông Vinh vừa nói vừa hướng mắt về phía thượng nguồn sông Hương, nơi có một điện thờ Mẫu nổi bật giữa đảo.

Vợ chồng ông Lái sinh được hai người con trai là Võ Văn Đá và Võ Văn Sắt (đều đã mất). Ông Đá lấy vợ, sinh con rồi đi nơi khác sống. Ông Sắt cùng vợ ở lại đảo và sinh được sáu người con, ba trai, ba gái. 

Giải thích về cái tên "đảo ông Sắt", ông Vinh cười hãnh diện nói: "Sau khi ông bà nội mất, ba tôi là ông Sắt lớn nhất ở đây nên người dân xung quanh gọi là đảo ông Sắt. Cái tên đảo ông Sắt cũng từ đó chớ mô".

Sau bão lũ liên tiếp hồi tháng 9, hòn đảo cũng hiện rõ vẻ hoang tàn. Những mảng tôn méo mó từ đâu bay đến nằm chỏng chơ khắp nơi. Mùi bùn non, ẩm mốc cứ xộc thẳng vào mũi, các vệt bùn cao hơn 2m trên vách tường. 

Giữa đảo có một căn nhà lớn với trụ bêtông, vách và mái bằng tôn, đôi chỗ chắp vá bằng ván mục lượm nhặt trên sông. Tất cả đã rệu rã, mối mọt nhưng đó vẫn là ngôi nhà sinh hoạt chung cho cả đảo mỗi lần có dịp lễ hay sự kiện quan trọng.

Con cháu đi học để thay đổi cảnh nghèo trên đảo ông Sắt - Ảnh 2.

Hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Hương chính là đảo ông Sắt - Ảnh: HOÀNG HẢI

Sống đùm bọc nhau

Chỉ vào bờ kè và những viên đá xếp chồng lên nhau, ông Vinh nói để giữ đất, các thế hệ con cháu lên rừng lấy đá, chặt tre nẹp làm bờ kè để chống xói mòn. Sau nhiều trận lũ, đất được bồi tụ ngày càng nhiều. 

Ông Vinh từng đo được cả hòn đảo rộng đến hơn 1.500m2, tăng cả ngàn mét vuông so với trước. Nhưng cũng được vài tháng, rồi lũ lụt ập tới cuốn trôi chỗ đã bồi trước đó nên hiện tại chỉ còn chừng ngàn mét vuông.

"Cọc cạch, cọc cạch". Tiếng máy cưa, tiếng đục gõ vọng từ cuối đảo. Trong căn nhà kho xập xệ, bốn thanh niên vẫn đang miệt mài gia công lồng chim. 33 tuổi, anh Võ Minh Toàn (con của ông Vinh) đã trải qua năm nghề để kiếm sống. Khi 16 tuổi, Toàn theo cha làm nghề đánh bắt cá, đi vớt cát dưới lòng sông, lên rừng đốn củi về bán. Sau đó, anh đi học may và theo nghề được hơn 4 năm. 

Công việc bấp bênh, không đủ sống nên Toàn lại đổi việc vào năm 26 tuổi. Anh học nghề làm lồng chim. Làm việc ở xưởng hơn 4 năm, lưng túi kinh nghiệm, anh trở về đảo, nhận hàng về gia công. Việc kha khá, Toàn gọi thêm anh em tới phụ việc rồi truyền nghề cho họ. 

"Một ngày bốn anh em làm được sáu cái, mỗi cái được trả 120.000 đồng, tằn tiện thì cũng đủ nuôi sống gia đình" - Toàn vừa nói vừa đục.

Anh Võ Văn Tâm (49 tuổi), một người đang làm trong xưởng của anh Toàn, nói rằng khi xưa con cá, con tôm còn nhiều, củi đốt người ta cũng cần nên làm nghề cũ cũng rất ổn định. Còn giờ cá tôm khan hiếm, người dân cũng không dùng củi nữa nên nghề xưa dần lụi tàn, thanh niên phải đi tìm đủ việc mới có thể kiếm ra đồng tiền. 

Chỉ tay vào hai người đàn ông đang xây nhà ở bên cạnh, anh Tâm nói: "Ở đây ai cũng phụ nhau làm việc hết. Mấy thanh niên như là "thợ đụng", từ việc xây nhà, sửa điện, đóng thuyền... đều tự mình làm, không khi nào nhờ người ngoài phụ. Phụ nhau làm cho đỡ tiền, chớ thuê người ngoài tiền mô mà trả".

Con cháu đang thay đổi cảnh nghèo

Người trên đảo ông Sắt trong mơ lẫn khi tỉnh giấc đều canh cánh nỗi lo miếng cơm manh áo. Áp lực nghèo đói còn đó nhưng những người chẳng hề biết mặt chữ luôn nuôi ước mơ đổi đời bằng con chữ. Mọi người đầy hãnh diện khi nhắc về chuyện học hành của sắp nhỏ. 

"Ở đây có hai đứa học hết đại học đó. Những đứa sau chúng tôi vẫn cố gắng cho hắn học đầy đủ" - ông Vinh nhấp chén trà, tự hào kể.

Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn Võ Thị Mỹ Linh (22 tuổi, cháu nội ông Sắt) vừa tốt nghiệp khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế. Khi chúng tôi đang mải câu chuyện, chiếc ghe do Linh chèo chở mẹ đi khám bệnh vừa cập bờ. 

Bà Dương Thị Chớ (mẹ của Linh) nói: "Bọn hắn học giỏi lắm, dắt nhau đi học. Bắt đầu từ con Vân, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế, rồi đến em hắn là con Linh, sau đó nhiều đứa cấp II, cấp III nối tiếp nhau. Đứa mô cũng muốn thoát nghèo nên cứ nhìn nhau mà học".

Linh bẽn lẽn kể về con đường đi học. Để qua được bờ bên kia, cô cùng các em phải chèo ghe mất chừng 10 phút. Lên bờ đã có xe đạp gửi ở nhà dân, từ đó đạp xe tới trường. Nhiều ngày mưa bão, nước dâng, sóng hỗn phải nghỉ học vì vượt sông trên ghe nhỏ rất nguy hiểm. 

"Bạn bè học cùng ít ai nghĩ em sống ở đây. Em có nói ra thì cũng không ai tin nên thường em chỉ nói mình sống ở cồn Hến thôi. Các em sau em sẽ tiếp tục học tập để có thể giúp nhau đi tìm cuộc sống tốt hơn" - Linh tâm sự.

Trên chiếc ghe rời đảo, nhìn xa xa hòn đảo nhỏ này như chiếc thuyền đang gồng hết sức bơi ngược về phía thượng nguồn. Tấm gương của Vân, Linh cùng những thế hệ đàn em tiếp nối như "nguồn nhiên liệu" giúp con thuyền ấy cập bến tương lai mà ở đó cái khổ sẽ thôi đeo đuổi họ.

Lập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa HuếLập Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế

TTO - Nếu không gấp rút cứu vãn di sản văn hóa Huế thì di sản sẽ tiếp tục bị vi phạm, gây trở ngại cho việc phát triển đô thị. Đặc biệt là những con người di sản, họ qua đời mà chưa kịp trao truyền cho thế hệ sau.

Xem thêm: mth.62873400250210202-tas-gno-oad-nert-oehgn-hnac-iod-yaht-ed-coh-id-uahc-noc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Con cháu đi học để thay đổi cảnh nghèo trên 'đảo ông Sắt'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools