Lâu nay, những đàn cừu gầy trơ xương, liêu xiêu đi trong những cánh đồng khô cỏ cháy đã trở thành hình ảnh điển hình trên truyền thông, báo chí để dẫn dụ cho vùng đất Ninh Thuận khắc nhiệt nhất Việt Nam. Ninh Thuận - nơi có thừa nắng, thừa gió nhưng lượng mưa thấp nhất, thời gian nắng cao và có nguy cơ sa mạc hóa cao nhất.
Tuy nhiên, vùng đất khắc nghiệt đến vậy, nhưng trăm năm nay, nghề nuôi cừu vẫn tồn tại và phát triển, được cả nước mệnh danh là “kinh đô cừu” đã thôi thúc chúng tôi về Ninh Thuận để tìm hiểu khi những cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ ở miền Trung mới đi qua.
Mùa du mục tại chỗ
Khi chúng tôi về xã Phước Trung, huyện Bác Ái thì những trảng cát ngút tầm mắt đến tận chân dãy núi Bo Bo đã phủ một màu xanh bạt ngàn của những cây cỏ tán thấp. Xương rồng - loài cây đặc trưng của vùng đất khô hạn - cũng căng mình, bung những bông hoa đỏ và mọc tràn cả vào lối vào trang trại nuôi cừu nhà ông Trần Cao Hòa. Trang trại của ông có đàn cừu hơn 1.000 con và là trang trại nuôi cừu với số lượng lớn nhất huyện Bác Ái.
Ông Trần Cao Hòa da rám nắng, dáng người to lớn, đội chiếc mũ lá tán rộng lững thững đi từ chuồng cừu về tiếp khách: “Các anh tính, vùng đất Bác Ái này từ tháng 1-6 hằng năm là khô hạn, thậm chí có năm 6 tháng liền không có một giọt mưa thì trồng cây gì, nuôi con gì được ngoài cừu”.
Ông Hòa cũng đã trải qua nhiều lớp tập huấn về nghề nuôi cừu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh tổ chức. Nói về đặc tính của cừu, ông Hòa bảo rằng, đa số các hộ chăn nuôi ở Ninh Thuận đều dùng hai giống cừu. Một là cừu bản địa Ninh Thuận có đặc điểm là đuôi không bao giờ vượt quá khuỷu chân, lông của cừu không nhiều và ngắn thích nghi với điều kiện nắng nóng, khô hạn. Hai là cừu lai giống giữa cừu bản địa với cừu nhập từ Australia. Đây là giống cừu được nuôi phổ biến hiện nay tại Ninh Thuận. Về hình dáng bên ngoài, cừu lai không khác nhiều so với cừu Australia hoặc cừu bản địa, nhưng cừu lai thường lớn hơn cừu bản địa, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn.
Dẫn chúng tôi thăm thú bãi chăn thả đàn cừu nhà mình đa số là cừu lai Australia, ông Hòa cho biết, cừu ăn được nhiều loại thức ăn nhưng chủ yếu là cỏ và các loại cây thực vật thấp bao gồm: Các loại thân lá, quả hạt các cây thuộc họ đậu như cây đỗ mai, so đũa, cỏ voi, lá vông, lá mít, lá duối, điên điển, keo đậu... Mỗi ngày, một con cừu có thể ăn một lượng thức ăn 12-15% trọng lượng, tương đương 5-6kg cỏ. Ngoài ra, cừu còn cần một lượng thức ăn tinh 0,2-0,3kg/con/ngày.
“Tuy nhiên, các anh thấy mùa này cây lá xanh tốt, thức ăn cho bầy cừu chỉ quanh trang trại cũng no đủ. Còn thời gian từ tháng 1-6 hằng năm là vào mùa khô, chúng tôi phải lùa cừu vào tận thung lũng dưới chân núi khoảng 10-20km với hy vọng là đi càng xa càng dễ kiếm được thức ăn cho chúng” - ông Hòa nói.
Ông Hòa đùa vui rằng, người ta cứ bảo là nghề nuôi cừu trên cát của chúng tôi là nghề du mục. Quả thật, vào mùa khô, cả vùng Ninh Thuận như “chảo lửa trên cát”, người nuôi cừu phải “du mục” hết cánh đồng này đến chân núi khác tìm cây cỏ làm thức ăn cho cừu. Mùa này, người nuôi cừu chỉ cố gắng duy trì thức ăn để đàn cừu không chết. Nhưng từ tháng 7-12 hằng năm, ông trời bù cho chúng tôi, có mưa, có bão, cây cỏ mọc xanh tốt nên chỉ chăn thả quanh nhà, cũng có thể gọi là mùa du mục tại chỗ. Mùa này cừu béo, cũng là mùa xuất chuồng bán cho thương lái. Ở thời điểm hiện tại, cừu nhà ông Hòa bán được 180.000 đồng/kg.
Cô con gái ông Hòa là Trần Thị Vân (12 tuổi) đang nhảy chân sáo lùa đàn cừu từ sau nhà về chuồng lúc chiều tà. Thấy khách lạ, đàn cừu co cụm lại thành vòng tròn. Tiếng be be của đàn cừu gọi bầy, gọi bạn, mẹ gọi con vang dậy cả một vùng. Vân hai tay ôm hai con cừu non trắng muốt khoe với chúng tôi: “Hai “em bé” này mới sinh hôm qua đấy”.
Cừu cái khoảng 8-9 tháng tuổi đã có khả năng sinh sản 2 lứa trong vòng một năm, mỗi lứa từ 1-2 con. Ông Hòa nhẩm tính, mỗi ngày, đàn cừu nhà ông có thể đẻ được 10-15 con cừu non, và cũng xuất chuồng cừu trưởng thành từng ấy bán cho thương lái. Như vậy, đàn cừu nhà ông vẫn luôn duy trì ổn định khoảng 1.000 con.
Nghề cừu trên vùng đất một thiếu, bốn thừa
Theo tài liệu việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu tại Ninh Thuận của Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh này, cừu Ninh Thuận được du nhập từ hàng trăm năm trước vào Việt Nam bởi các nhà truyền đạo đến từ từ Ấn Độ, Pakistan và Châu Phi. Và theo người bản xứ, đàn cừu có mặt trên dải đất Ninh Thuận đã hơn 100 năm do người Chà Là (Ấn Độ) mang tới theo con đường truyền đạo Balamon và công đồng người Chăm.
Tuy nhiên, cũng có tài liệu nói rằng do những giáo sĩ người Pháp mang tới cho giáo dân từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Dù có nhiều nguồn gốc nhưng trải qua một thời gian dài được nuôi thử nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước, đến nay có thể khẳng định, giống cừu đã thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt ở vùng “chảo lửa” Ninh Thuận.
Bài toán phát triển sự đa dạng trong chăn nuôi cũng được nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kỳ công đi tìm lời giải để bà con thoát nghèo. Từ mô hình nuôi bò, nuôi dê, thậm chí cả thâm canh tôm trên cát nhưng không mang lại hiệu quả vì vùng đất này quá khô hạn. Từ những dự án như nuôi bò, dê siêu nạc, nhưng chỉ sau một mùa hạn thì đàn bò, dê thành “siêu xương” - có nghĩa là gầy trơ xương. Vì thế, giờ đây, tỉnh Ninh Thuận đã xác định, mũi nhọn của ngành chăn nuôi của tỉnh là giống cừu.
Chính vì thế, nhiều địa phương trong cả nước có nuôi cừu, tuy nhiên, cừu Ninh Thuận được xem là giống cừu đặc trưng duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì ngoài những đặc điểm sinh học thích nghi của cừu đối với khí hậu khô hạn, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận còn được đánh giá là có chất lượng ngon, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chúng tôi lại về xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải để tham quan mô hình của lão nông Bùi Văn Hanh. Ông Hanh cũng từng lao đao trong công cuộc đi tìm sinh kế trên mảnh đất khô cằn này. Nhắc chuyện cũ, ông bảo: “Chục năm trước, tôi cũng từng nuôi dê, nuôi bò lên đến trăm con. Nhưng chỉ được một vài mùa, đến mùa khô hạn khốc liệt năm 2013, cả đàn rơi rụng hết. Từ đó, tôi chuyển sang nuôi cừu”.
Đã bảy năm trôi qua, đàn cừu của ông Hanh càng phát triển, từ vài chục con ban đầu, ông đã nhân giống, rồi mua thêm cừu non từng mùa nhập đàn, đến nay, số lượng cừu của trang trại ông đã lên đến hơn 500 con. Ông Hanh cũng ôn khổ với chúng tôi rằng: “Mùa tháng 3 năm nay, cả vùng đất này như “chảo lửa”, không loại cây cỏ nào mọc được, chỉ duy nhất còn cây xương rồng. Đàn cừu nhà tôi nhờ cây xương rồng mà vượt qua được mùa hạn lịch sử”.
Chuyện ông Hanh lấy cây xương rồng chặt gai làm thức ăn cho cừu nhanh chóng lan rộng trong vùng. Sở KHCN và Sở NNPTNT của tỉnh vào cuộc nghiên cứu và thấy rằng, nước xương rồng có chứa magie và kali, đây là hai khoáng chất giúp kiểm soát cân bằng chất lỏng, kiểm soát cơ bắp và hỗ trợ chức năng tim. Ngoài ra, magie còn có vô số vai trò khác trong cơ thể bao gồm hỗ trợ sức khỏe miễn dịch, cải thiện sức khỏe của xương. Cùng với các chất dinh dưỡng này, nước xương rồng chứa một số chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường sức khỏe.
Từ những thông tin khoa học đó, ông Hanh tự tin nói rằng: “Ninh Thuận chúng tôi được mệnh danh là vùng đất có 1 thứ thiếu, và 4 thứ thừa. Cái thiếu duy nhất và quan trọng nhất là nước, còn cái thừa là thừa nắng, thừa gió, thừa cát và thừa loài cây xương rồng. Nhưng loài cây tưởng chừng như bỏ đi, chặt phá không hết lại thành một thứ thức ăn ngon lành cho bầy cừu thì chúng tôi yên tâm bám nghề rồi. Tháng vừa rồi, tôi xuất chuồng hơn 100 con cừu có trọng lượng từ 30-40 kg, thu lời hơn 400 triệu đồng”.
Với điều kiện khí hậu đặc trưng và sự phù hợp thích nghi, nhờ vậy trong những năm qua, đàn cừu ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng, trở thành “thủ phủ” cừu của cả nước.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, năm 2018, đàn cừu ở Ninh Thuận khoảng 142.000 con, chiếm hơn 90% tổng đàn cừu của cả nước. Còn 9 tháng năm 2020, ước tính tổng đàn cừu toàn tỉnh có 135.000 con. Lý giải về số liệu sụt giảm so với năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho rằng, vào tháng 7-10 vừa qua, đa số các chủ trong trại cừu đều xuất chuồng bán cho thương lái vì đang là mùa cừu béo lại được giá. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian 4 tháng vừa qua, Ninh Thuận đã xuất đi cả nước khoảng 50.000 con cừu, sản lượng thịt hơi ước đạt khoảng 17.000 tấn.
Trong những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp khá phát triển ở Ninh Thuận. Ngoài các điểm du lịch trang trại nho, giờ đây, du khách trong nước và quốc tế khá thích thú khi khám phá nghề du mục nuôi cừu của bà con nông dân. Những địa danh như cánh đồng cừu An Hòa (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải), đồng cừu Phan Rang (TP.Phan Rang - Tháp Chàm), đồng cừu Mũi Dinh (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam)... đã trở nên nổi tiếng trong các tour khám phá vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Đàn cừu đang mang lại lợi ích kép bà con nông dân với nghề du mục nơi đây.
Xem thêm: odl.804958-nauht-hnin-uuc-od-hnik-o/naut-iouc-gnod-oal/nv.gnodoal