Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Những động thái trên được Grab đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 có hiệu lực -thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... Trước đây, tài xế chỉ đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về.
Còn từ 5/12, các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe. Như vậy, nếu giá cước và tỷ lệ chiết khấu không đổi, thu nhập thực nhận của các tài xế công nghệ sẽ bị giảm.
Đại diện Grab lý giải, việc điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ lần này nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế. Theo tính toán của Grab, trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7% một năm.
"Mức tăng cước này đã được tính toán rất kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo thu nhập đối tác tài xế không bị ảnh hưởng nhiều. Sau khi điều chỉnh cước, thu nhập của tài xế sẽ chỉ giảm khoảng 1% mỗi năm. Đồng thời, cước phí mới vẫn đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường", đại diện Grab nói.
Bên cạnh đó, Grab cho biết việc tăng giá cước cũng để tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong tương lai, duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ.
Hiện Grab cũng đã thông báo đến tài xế mức tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe. Với GrabBike, tỷ lệ này là hơn 27,2% gồm 20% phí sử dụng ứng dụng (không đổi) + thuế VAT. Tuy nhiên, mức thu trên chưa gồm 1,5% thuế thu nhập cá nhân khi tài xế đạt doanh thu trên 100 triệu đồng một năm.
Với GrabCar, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe (gồm phí sử dụng ứng dụng, thuế thu nhập cá nhân, VAT) cũng tăng lên lần lượt hơn 28,3%, 32,8% với các tài xế chịu phí sử dụng ứng 20% và 25%.
Chưa có động thái tăng giá cước nhưng ứng dụng giao đồ ăn Beamin cũng thông báo tăng mức khấu trừ phí giao hàng từ 20% lên hơn 27,2% (đã gồm chiết khấu cho Beamin và trừ thuế VAT).
Còn Gojek cho biết sẽ có sự điều chỉnh nhưng đang phân tích tình hình. "Chúng tôi sẽ thông báo tới các đối tác tài xế và khách hàng sau khi có thông tin chi tiết hơn. Gojek cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định pháp luật tại bất kỳ thị trường nào mà Gojek có hoạt động", đại diện Gojek nói sau khi Nghị định 126 có hiệu lực.
Anh Tú