Không chỉ gây chú ý khi luôn "phủ" danh sách huy động trái phiếu với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng, tên tuổi TNG Holdings gần đây còn được quan tâm với loạt dự án vùng ven cùng những lùm xùm trên thị trường bất động sản.
Hút hơn 15.000 tỷ trái phiếu chỉ sau 9 tháng, ổ ạt đầu tư dự án bất động sản mới
Trong đó, TNR Holdings tính từ đầu năm đến nay đã huy động gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu. Chủ yếu phát hành tập trung vào tháng 1-4/2020 với gần 8.300 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán đều không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, kỳ hạn 60 tháng với lãi suất cố định 10,9%/năm, trả lãi hàng năm. Toàn bộ số trái phiếu đều được nhà đầu tư cá nhân trong nước sở hữu, được phát hành qua đại lý là Chứng khoán SSI.
Được biết, TNR Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG, được thành lập năm 2016 với số vốn 20 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Trải qua nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ Công ty đang vào mức 1.000 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2019). Trong khi tổng tài sản TNR Holdings lên đến 16.000 tỷ đồng, như vậy 15.000 tỷ còn lại được Công ty huy động bên ngoài, chủ yếu vốn vay.
TNR Holdings - thông qua các đơn vị thành viên - đang sở hữu loạt dự án cao ốc lớn từ Bắc vào Nam, bao gồm TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Láng Hạ (Sky City), TNR GoldSilk Complex (Hà Đông), TNR GoldSeason (Hà Nội), TNR Nguyễn Công Trứ (quận 1, Tp.HCM, Tp.HCM), TNR The GoldView (quận 4), TNR Amaluna (Trà Vinh), TNR Stars Thoại Sơn (An Giang)...
Đáng chú ý, tháng 7 năm ngoái dự án TNR Stars Đồng Văn do TNR Holdings là chủ đầu tư đã bị thanh tra khi bị khách hàng "tố" lừa đảo.
Nếu những tháng đầu năm là TNR Holdings, thời gian trở lại đây một đơn vị trực thuộc khác – Bất động sản Hano - VID – "hoán ngôi" và phát hành cả trăm lô trái phiếu hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ trong 4 tháng 7-11/2020, Hano - VID công bố chào bán 120 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, thu về 5.654 tỷ đồng. Trái phiếu chào bán cũng là trái phiếu không đảm bảo, không chuyển đổi.
Về Hano – VID, Công ty được thành lập vào năm 2010 chuyên phát triển dự án vùng ven. 2 năm trở lại đây, Hano - VID tăng gấp 6 lần vốn lên 4.103 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, trong đó TNG Holdings là cổ đông lớn. Hiện, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty là ông Nguyễn Thế Đạt, sinh năm 1985.
Tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Hano - VID được công nhận là chủ đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư lô số 3A, dọc suối Nậm La, Tp.Sơn La với tổng diện tích 1,7ha. Trước đó, Hano – VID cùng các đơn vị liên quan liên tục trúng thầu các dự án lớn, đơn cử là khu dân cư tại thôn Đạm Thủy với quy mô 9,8ha, khu dân cư tại Quảng Ninh (70.466 m2), liên danh TNR Holdings & Hano - VID trúng thầu khu dân cư Đức Xuân 4 (6,7ha), khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1 (Hà Tĩnh, quy mô 10,8ha)…
Hano – VID cũng đang làm chủ đầu tư dự án tổ hợp thương mại và nhà ở cao tầng Goldsilk Complex tại Hà Đông. Mới đây, Hà Nội đã xảy ra vụ hoả hoạn tại chung cư TNR Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm do Hano - VID làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, các tên tuổi liên quan còn lại gồm TNG Holdings, CTCP Bất động sản Mỹ - American Property (chủ đầu tư dự án Goldsenson 47 Nguyễn Tuân), May - Diêm Sài Gòn (TNR Goldview), Việt Hân (Goldmark City) đều có chung cơ cấu tài sản với đóng góp chủ yếu từ nguồn huy động bên ngoài. Tính chung cả TNG 9 tháng đầu năm 2020 giá trị huy động lên đến 15.000 tỷ đồng.
Quy mô bự lãi "tí hon"
Dù liên tục hút vốn mở rộng kinh doanh bất động sản, chỉ số kinh doanh của những đơn vị trên lại không mấy "thu hút". Trong đó, doanh thu Việt Hân giảm phân nửa trong năm 2019, từ mức 5.423 tỷ chỉ còn 2.717 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng giảm nửa chỉ còn 655 tỷ, tương ứng lợi nhuân sau thuế tính đến năm 2019 chỉ đạt 282 tỷ đồng (năm 2018 đạt đến 836 tỷ). Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản Việt Hân đạt 10.338 tỷ đồng, vốn chủ ở mức 2.285 tỷ đồng.
May - Diêm Sài Gòn cũng tương tự, doanh thu giảm từ 5.257 tỷ (năm 2018) xuống chỉ còn 813 tỷ đến năm 2019, lợi nhuận theo đó vỏn vẹn 98 tỷ đồng – chỉ bằng 1/8 năm ngoái. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản May - Diêm Sài Gòn vào mức 5.131 tỷ, trong khi vốn chủ khá khiêm tốn với 720 tỷ đồng.
Về Hano - VID, doanh thu giai đoạn 2016-2019 biến động bất thường. Trong đó, năm 2017 Công ty báo doanh thu đột biến hơn 537% lên 1.421 tỷ đồng, cũng từ đây con số lao dốc mạnh. Năm 2019, Hano - VID chỉ đạt 21 tỷ doanh thu, lợi nhuận trước thuế 4 tỷ đồng – con số không xứng với quy mô tài sản hơn 4.000 tỷ đồng, vốn chủ gần 2.400 tỷ đồng.
TNR Holdings cũng không ngoại lệ, năm 2017 doanh thu Công ty tăng mạnh lên 211 tỷ, và đi ngang. Sang năm 2019, TNR Holdings giảm nhẹ doanh thu về 210 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 1 tỷ - trong khi tổng tài sản lên đến 16.000 tỷ đồng, vốn chủ hơn 1.000 tỷ đồng.
Về phía Tập đoàn Đầu tư TNG, đây là doanh nghiệp đa ngành có thâm niên. Trong đó, lãnh đạo chủ chốt không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT, bà Hường còn là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) và là vợ ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch MSB.
Tiền thân là Tập đoàn VID, trong 20 năm qua nhóm công ty thuộc Tập đoàn TNG dưới thời bà nghị Hường đã phát triển với tốc độ "thần tốc", đặc biệt trong việc khai thác các khu công nghiệp lớn với hàng trăm ha đất tại trung tâm như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam…
Năm 2015, Tập đoàn TNG mới chính thức lấn sân phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở quy mô lớn với quy mô đầu tư tính bằng tỷ USD. Đặc biệt tại 4 dự án khu đô thị, chung cư cao cấp với tổng số lượng 10.000 căn hộ ở Hà Nội, Tp.HCM.
Tri Túc
Trí Thức Trẻ