SSI Research cho biết, trong kỳ vừa qua, FE Credit tiếp tục tập trung vào quản lý rủi ro và thu hồi nợ thay vì giải ngân các khoản vay mới để tránh rủi ro tín dụng vượt mức.
FE Credit đã xóa 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý 3/2020 (tăng 2,3% so với cùng kỳ) và 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng 2020 (tăng 1,1%). Do đó, mặc dù chi phí hoạt động tiếp tục được cắt giảm bằng nhiều phương pháp, thì lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay vẫn giảm xuống còn 4,71% do chi phí tín dụng tăng lên 14,43%. SSI Research cho rằng chi phí tín dụng có thể ở mức cao trong 1-2 quý tới và lợi nhuận ròng từ hoạt động cho vay có thể giảm sâu hơn vì việc tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động là không dễ dàng.
FE Credit ước tính có thể nới lỏng tiêu chí cho vay nghiêm ngặt hiện nay khi đội ngũ quản trị rủi ro của Công ty cảm thấy môi trường kinh doanh đã phù hợp để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trở lại. Nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ đến trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng FE Credit đã chủ động thắt chặt giải ngân các khoản vay mới để kiểm soát rủi ro tín dụng. Tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2021 ở mức từ 10% -15% mỗi năm.
SSI Research cho rằng, VPBank có nhiều lựa chọn để tăng vốn, mà một trong số đó là thu nhập từ IPO FE Credit. Theo SSI Research, Ban lãnh đạo VPBank ước tính IPO FE Credit trong năm 2021. Gần đây, VPBank đã đàm phán lại với một đối tác quan trọng và hy vọng có thể đàm phán thành công trong 5-6 tháng tới, nhờ đó thương vụ này có thể hoàn thành trong quý 3/2021. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng định giá FeCredit ở mức trên 3 lần giá trị sổ sách.
Tại đại hội cổ đông diễn ra hồi giữa năm 2020, ban lãnh đạo VPBank từng cho biết, VPBank đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn FE Credit và cũng đã có một số kết quả tích cực. Mặc dù việc đàm phán bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng ban lãnh đạo tin rằng việc bán vốn tại FE Credit sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Lãnh đạo VPBank tự tin cho rằng FE Credit là doanh nghiệp hấp dẫn nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Khác với ngân hàng, FE Credit là công ty tài chính nên VPBank có thể bán vốn tới 49%. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, nếu ngân hàng bán 49% FE Credit thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi, nhưng khi có đối tác chiếm đến 49% thì sẽ đem lại công nghệ mới cùng nguồn vốn hùng hậu cho công ty. Phần vốn bán được sẽ có nhiều phương án sử dụng, chẳng hạn giúp ngân hàng mẹ tăng vốn, tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay retail, SME...
Bên cạnh việc IPO FE Credit, VPBank còn có thể tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại, hoặc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược hay phát hành trái phiếu...
Theo số liệu do VPBank công bố, 9 tháng đầu năm, FE Credit đã giải ngân khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Con số này thấp hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ của FE Credit là 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng của FE Credit chiếm khoảng 20% toàn hệ thống VPBank hợp nhất.
Đáng chú ý, nợ xấu của FE Credit tăng mạnh so với các quý trước. Nếu tính theo chuẩn mực kế toán VAS, nợ xấu của FE Credit hiện ở mức 6,9%, cao gấp rưỡi so với thời điểm cuối quý 1/2020.
Về lợi nhuận, FE Credit lãi khoảng 788 tỷ đồng trong quý 3/2020, nâng tổng lợi nhuận 9 tháng lên 3.199 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của FE Credit chiếm khoảng 34% trong cơ cấu lợi nhuận toàn hệ thống VPBank.
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm: nhc.240209070210202-1202-3-yuq-gnort-hnaht-naoh-eht-oc-tiderc-ef-opi-nahp-mad-gnad-knabpv/nv.zibefac