Đi cùng với thời điểm Nghị định 126 có hiệu lực, một số ứng dụng xe ôm công nghệ đã tiến hành điều chỉnh tăng giá cước từ ngày 5/12.
Cụ thể như Grab, ứng dụng này cho biết sẽ tăng giá 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Cụ thể, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Theo quy định mới của Nghị định 126/2020, từ ngày 5/12, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ
Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Không ảnh hưởng?
Trước đó tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan diễn ra ngày 24/11, trả lời về cách tính thuế VAT và quy định doanh nghiệp phải kê khai trong Nghị định 126, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết các doanh nghiệp vận tải công nghệ sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế VAT chứ không phải tài xế. Nghị định 126 quy định trách nhiệm của các công ty liên kết với người lái xe để thực hiện dịch vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế VAT.
Doanh nghiệp sẽ phải kê khai 10% thuế VAT trên tổng doanh thu. Công ty sẽ được khấu trừ đầu vào.
“Về phía tài xế, theo Nghị định 126 thì mức thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên 1,5% khi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Chứ không gánh cả thuế VAT mức 3% như trước, do vậy trên thực tế nghĩa vụ thuế đối với tài xế xe công nghệ sẽ nhẹ hơn so với hiện hành”, ông Minh nhấn mạnh thêm.
Theo cơ quan thuế, với Nghị định 126 thì mức thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên 1,5% khi có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm
Vô lý?
Dù theo lý giải của cơ quan thuế là tăng VAT với xe công nghệ lên 10% sẽ không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế, tuy nhiên nhiều tài xế khẳng định vẫn bị ảnh hưởng.
“Trung bình mọi hôm tôi chạy được 500.000 đồng, trừ tiền xăng, thuế, phí... thì còn khoảng 350.000 đồng. Còn nay nếu chạy được 500.000 đồng, thuế tăng lên 10% thì chỉ còn khoảng 300.000 đồng”, một lái xe Grab nói.
“Anh ngồi trong văn phòng anh làm việc, anh đóng thuế thì chấp nhận vì nhà đó là nhà của công ty, nhà của Nhà nước.
Còn bọn tôi chạy giữa đường, nắng mưa, xe hỏng... chúng tôi chấp nhận. Một cái bảo hiểm y tế chúng tôi cũng không có, bây giờ phải đóng thuế thì vô lý với anh em tài xế chúng tôi", một tài xế Grab khác nói.
Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh, sẽ thay đổi.
Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!