vĐồng tin tức tài chính 365

Cải cách hành chính là xu hướng tất yếu, khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao

2020-12-07 13:53

Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tới dự và chỉ đạo Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành. Về phía ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Bí thư Ban Cán sự Đảng và các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, đại điện 63 chi nhánh NHNN tại các điểm cầu; lãnh đạo các NHTM,... đã dự Hội nghị.

Tạo chuyển biến vượt bậc về nhận thức và hành động trong toàn Ngành

Báo cáo tóm tắt những thành tựu nổi bật của ngành Ngân hàng trong 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng 10 năm tiếp theo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, CCHC đã tạo sự chuyển biến vượt bậc trong toàn ngành Ngân hàng, cả về nhận thức, hành động và đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước.

Với nhận thức về vị thế và vai trò trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng xác định cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc duy trì trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển.

Thời gian qua, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn. CCHC đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

image

Quang cảnh Hội nghị

Thứ nhất, về cải cách thể chế, thể chế pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng trong tình hình mới. Khuôn khổ pháp luật điều hành chính sách tiền tệ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách tín dụng tiếp tục được hoàn thiện, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho các khu vực sản xuất - kinh doanh, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), TTHC, điều kiện kinh doanh các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 về cắt giảm TTHC, đến nay đã từng bước đáp ứng yêu cầu thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí giao dịch hành chính đối với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, NHNN là cơ quan đầu tiên công bố công khai cho doanh nghiệp, người dân Bộ TTHC chi tiết, đầy đủ. Từ năm 2018, NHNN đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%). Công tác kiểm soát quy định TTHC thường xuyên được chú trọng; giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO, công khai minh bạch, đúng hạn. Từ năm 2011 đến Quý III/2020, NHNN đã tiếp nhận và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ TTHC và cơ bản không phát sinh hồ sơ giải quyết quá hạn. Kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết TTHC cho thấy chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.

Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, NHNN đã sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu tổ chức các đơn vị, đảm bảo nguyên tắc một đơn vị làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; đẩy mạnh phân cấp hợp lý cho các đơn vị; sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng Cục, Chi cục, Vụ, Phòng; không còn tình trạng chồng chéo, bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ. Về chính sách tinh giản biên chế, NHNN đã quản lý biên chế chặt chẽ và tổ chức tinh giảm được 385 chỉ tiêu biên chế đúng định hướng của Chính phủ.

Thứ tư, về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, NHNN là cơ quan đầu tiên ban hành “Sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc” năm 2008 và Danh mục công việc hoàn chỉnh trong hệ thống NHNN vào năm 2013. Đây là cơ sở để xác định biên chế, bố trí nhân sự các đơn vị phù hợp với yêu cầu công việc, hạn chế tối đa tình trạng thừa cán bộ hoặc không đáp ứng yêu cầu công việc. NHNN cũng đã đa dạng các hình thức tuyển dụng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thi tuyển để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, lựa chọn được cán bộ đủ phẩm chất, năng lực...

Thứ năm, về cải cách tài chính công, NHNN đã kịp thời ban hành các văn bản quy định về chi tiêu nội bộ, định mức sử dụng, quản lý tài sản... , nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong việc mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu công việc...

Thứ sáu, về hiện đại hóa hành chính, NHNN đã ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) phù hợp với Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam 2.0; đồng thời đưa vào sử dụng các hệ thống công nghệ theo mô hình tập trung, hiện đại, kết nối từ trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; triển khai đồng bộ các Hệ thống thông tin phục vụ toàn diện các hoạt động nội bộ của NHNN theo kiến trúc CPĐT; các hệ thống công nghệ thường xuyên được đầu tư nâng cấp, mở rộng; công tác an ninh thông tin thường xuyên được tăng cường…

Về triển khai các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng (TTTD) góp phần cải thiện xếp hạng “Chỉ số tiếp cận tín dụng”, NHNN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD cả chiều rộng và chiều sâu. CIC đã mở rộng kết nối với toàn bộ các TCTD và gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, trên 50 tổ chức kinh tế và một số bộ, ngành để có thêm nguồn thông tin. Nhờ những nỗ lực của CIC trong việc mở rộng thu thập và cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp bán lẻ, kết quả theo báo cáo Môi trường Kinh doanh của WB, giai đoạn 2016-2020, độ phủ TTTD công của Việt Nam tăng từ 41,5% năm 2016 lên 59,4% năm 2020, điểm chiều sâu TTTD tăng từ 7 lên 8/8 điểm, đạt điểm tối đa trong thang điểm đánh giá một hệ thống TTTD toàn diện.

Với những kết quả đạt được trong CCHC của ngành Ngân hàng, trong 7 năm xếp hạng chỉ số CCHC (PAR Index) của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, NHNN đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, cơ quan Trung ương.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

10 năm qua, ngành Ngân hàng không chỉ đạt được những kết quả tích cực trên 6 lĩnh vực CCHC nhà nước mà còn tích cực thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh trong ngành Ngân hàng. Theo đó, NHNN đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, định kỳ hàng năm, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 01, 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NHNN cũng kịp thời ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa và bổ sung thêm.

Thực hiện các kế hoạch hành động của NHNN, hệ thống các TCTD đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp để đổi mới công tác quản trị, điều hành, chuyển đổi mô hình tổ chức, thu gọn các bộ phận trung gian hướng tới mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm; tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm phi tín dụng điện tử có khả năng giao dịch thông qua các phương tiện điện tử, an toàn, bảo mật cao. Đặc biệt, các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới quy trình cho vay để đơn giản hóa thủ tục cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; cải tiến các quy trình nội bộ, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ trùng thừa, tối ưu hóa thời gian xử lý công việc nội bộ. Công khai trên trang tin điện tử ngân hàng toàn bộ các quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất. Nhiều TCTD đã tổ chức rà soát tổng thể mức phí dịch vụ, xây dựng lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và ứng dụng CNTT; thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thiện cơ chế chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng...

Ngoài ra, nhiều TCTD đã có những định hướng cụ thể gắn sự phát triển của ngân hàng với kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện môi trường xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thực hiện công tác an sinh xã hội, đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai dự án xanh, dự án bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng... Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các TCTD đã và đang triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để khắc phục hậu quả tác động của dịch COVID-19. Bằng nguồn vốn huy động và nguồn lực tài chính, các TCTD đã hoãn, giãn các khoản nợ vay gốc và lãi đến hạn, tiếp tục cho vay mới duy trì sản xuất, cắt giảm lợi nhuận và chi phí nghiệp vụ để có điều kiện giảm lãi suất, giảm phí để hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong vay vốn kể cả nợ cũ và vay mới.

Định hướng giai đoạn 2020-2030, NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Phó Thống đốc thường trực khẳng định, bằng sự quyết tâm chính trị trong toàn Ngành, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình CCHC.

Nhóm PV Cổng TTĐT

Xem thêm: 287524VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cải cách hành chính là xu hướng tất yếu, khách quan để ngành Ngân hàng làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools