Tài xế Grab tắt App, phản ứng chính sách khấu trừ mới
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Sáng 7-12-2020, hàng trăm tài xế Grab tại Hà Nội và TPHCM đã đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung tại các trụ sở của Grab và nhiều địa điểm khác nhau để phản ứng với chính sách khấu trừ mới của Grab. Đến chiều cùng ngày, nhiều tài xế Grab tại TPHCM vẫn còn tiếp tục cuộc phản đối.
Hàng trăm tài xế GrabBike, GrabCar, sáng 7-12, đã tắt ứng dụng nhận đặt xe của khách hàng (app) và tập trung tại các con phố Duy Tân, Cầu Giấy - nơi đặt các văn phòng của Grab tại Hà Nội và ở đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Thị Thập, quận 7... là trụ sở của Grab tại TPHCM.
Các tài xế Grab cho biết họ phản đối mức khấu trừ mới sau khi áp dụng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) trên mỗi cuốc xe mà Grab vừa cho áp dụng vì mức phí mới này quá cao, làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của tài xế.
Tài xế GrabBike tại TPHCM đồng loạt tắt App phản đối chính sách chiết khấu mới. Ảnh Chánh Trung |
Nhiều tài xế GrabBike ở TPHCM bức xúc cho biết: “Hiện nay Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe. Sau đó lại trừ tiếp 10% VAT số tiền tài xế được hưởng. Nghĩa là, nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe 50.000 đồng sẽ bị trừ 10.000 đồng tiền phí cho công ty, sau đó bị trừ tiếp 10% VAT (là 4.000 đồng) nữa. Như vậy, các tài xế chỉ còn 36.000 đồng để mang về”.
Theo các tài xế xe công nghệ hiện nay mỗi ngày các tài xế phải chạy hơn 10 giờ đồng hồ hoặc hơn để đạt chỉ tiêu. Nếu áp dụng mức chiết khấu mới thì tài xế mỗi ngày phải chạy nhiều hơn mà số tiền đem về còn bị giảm hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, Grab còn tăng giá các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood… cũng sẽ khiến người dùng e ngại sử dụng các dịch vụ và các tài xế có thể còn sẽ gặp khó khăn để hoàn thành định mức.
Trước đó, Grab vừa công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng điều chỉnh tăng. Grab Việt Nam cho biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2020. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi.
Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Grab cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%).
Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%. Grab cho biết, sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng ngày 5-12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe. Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.
Clip hàng trăm tài xế Grab phản đối chính sách chiết khấu mới tại TPHCM sáng 7-12.
Grab cũng đồng thời sẽ tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5-12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TPHCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Lý giải việc tăng giá, Grab cho biết là để: “đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi Nghị định 126 đi vào hiệu lực”. Tương tự, các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng đã được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến chiều ngày 7-12 các tài xế xe công nghệ vẫn còn tập trung để phản đối tại TPHCM, Hà Nội và các tài xế đều đòi gặp đại diện Grab để thảo luận về sự việc này.
Trên các hội nhóm tài xế xe công nghệ trên Facebook ghi nhận các tài xế xe công nghệ cho biết sẽ tắt App một tuần để phản đối mức chiết khấu mới của Grab.
Grab tăng mạnh giá cước khi chính sách thuế mới được áp dụng
Xem thêm: lmth.iom-urt-uahk-hcas-hnihc-gnu-nahp-ppa-tat-barg-ex-iat/274113/nv.semitnogiaseht.www