Về cách tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 126, Tổng cục Thuế trước đó giải thích các doanh nghiệp vận tải công nghệ sẽ phải thực hiện dịch vụ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp thuế gia trị gia tăng. Doanh nghiệp sẽ phải kê khai 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng doanh thu, công ty sẽ được khấu trừ đầu vào.
Theo ghi nhận của PV VTV News, đến chiều ngày 7/12, tình trạng tụ tập trước trụ sở chính của Grab (Ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn diễn ra nhưng có phần vắng hơn so với buổi trưa. Tất cả tài xế đều tắt app, không làm việc và yêu cầu được gặp mặt với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Theo các tài xế có mặt ở hiện trường, Grab hiện đang áp dụng mức khấu trừ 20% trên mỗi cuốc, sau đó lại tiếp tục trừ 10% mà số tiền tài xế được hưởng.
Đối với tỷ lệ chiết khấu tài xế GrabCar áp dụng từ 28,375% lên 32,841% (bao gồm phí ứng dụng + phí VAT + thuế thu nhập cá nhân) đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%, còn GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%. Với dịch vụ “xe ôm” công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố, trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Lực lượng chức năng cũng có mặt để nhắc nhở, đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Trước đó, Grab đã công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ, chính thức áp dụng từ trưa ngày 5/12.
Ngay cả các dịch vụ như GrabFood và giao hàng siêu tốc Grab Express cũng được điều chỉnh tăng. Một số tài xế lo ngại nếu tiếp tục tăng cước để bù VAT, khách hàng quay sang sử dụng ứng dụng khác, khiến thu nhập của họ giảm thêm.
Tài xế Quách Văn Huân cho biết: "Doanh thu mỗi ngày của tài xế bây giờ chỉ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày. Với mức độ đóng thuế đến 30% một ngày như thế này thì quá cao, thu về chẳng được bao nhiêu nữa. Tôi mong muốn là được trở về mức thuế ban đầu chứ như thế này cao quá. Chúng tôi còn phải tự chi tiền xăng xe, tiền điện thoại và tiền ăn uống nữa".
Theo mức thuế hiện tại, một cuốc xe giá 40.000 VND, tài xế sẽ nhận được khoảng 29.000 VND (Ảnh bên trái). Tuy nhiên, nếu áp dụng mức thuế cũ, một cuốc xe giá tương đương (39.000 VND), tài xế sẽ nhận được 31.000 VND (Ảnh bên phải).
Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ khác.
Giải thích cho động thái điều chỉnh giá, Grab cho biết để thực hiện theo Nghị định 126 mới có hiệu lực từ ngày 5/12, thuế giá trị gia tăng (VAT) phải tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ. Nền tảng đặt xe này đã quyết định tăng giá cước cơ bản các dịch vụ với lý do đảm bảo mức thu nhập cho tài xế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!