Cây gây thần một trong bốn vở diễn của dự án Huyền Sử Việt dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào ngày 12-12, tại Rạp Xiếc Trung ương vừa có buổi tổng duyệt ở Hà Nội.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ, đây là tác phẩm đầu tiên có sự kết hợp giữa 2 ngôn ngữ loại hình Xiếc và Cải lương.
Bởi thế, trong buổi tổng duyệt rất nhiều khán giả đã phải “há hốc mồm” khi thấy hai nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương trong vai nhân vật chính Tiên Dung và Chử Đồng Tử vừa hát, lại vừa đu đưa, vừa chao lượn trên dây ở sân khấu Rạp xiếc Trung ương.
Chia sẻ với báo chí về dự án này, Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng tiết lộ: “Chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng âm thanh, ánh sáng, và nghệ sĩ của cả hai đơn vị hỗ trợ. Mọi người vừa làm vừa “vỡ hoang” ngôn ngữ của cả hai loại hình khi đứng chung sân khấu. Chúng tôi muốn thực sự nhờ khán giả của cải lương để nâng tầm xiếc”.
Các nghệ sĩ cải lương phải biểu diễn nhiều động tác phức tạp.
Cũng theo NSND Tống Toàn Thắng ở vở diễn này, nghệ thuật xiếc hơi bị chùng xuống vì cố tình đẩy cải lương trội hơn.
“Qua đây, chúng tôi muốn những người yêu thích cải lương đồng hành với xiếc, dần dần xóa bỏ đi quan niệm xiếc chỉ dành cho trẻ em. Có những khó khăn vất vả tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng chúng tôi đã quyết tâm làm tốt”- NSND Tống Toàn Thắng nói.
Còn Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì cho biết: “Khi quyết định dựng về Chử Đồng Tử chúng tôi mong muốn tìm một kịch bản viết theo hơi hướng xa xưa và thể hiện thật mộc mạc, nguyên sơ, điều này thiếu vắng ở trong các sáng tác thời gian gần đây”.
Có thể thấy sự kết hợp chặt chẽ, ăn ý của hai đạo diễn cải lương (NSND Triệu Trung Kiên) và xiếc (NSND Tống Toàn Thắng) ở tác phẩm này đã tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực cho vở diễn.
Cũng chính bởi sự ăn ý đó mà các nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng tung hứng ăn ý ở nhiều không gian sân khấu, nhiều tầng sân khấu ở rạp xiếc Trung ương.
Một trong những vai diễn nhận được rất nhiều sự cổ vũ của khán giả đó chính là diễn viên Minh Hải trong vai Chữ Đồng Tử.
Theo diễn viên Minh Hải, dù rất thích thú khi được khám phá cách diễn mới của mình, tuy nhiên cảm giác đầu tiên khi tham gia luyện tập của anh là rất sợ. Dẫu vậy, điều đọng lại trong vở diễn với anh lại là điều tích cực.
“Chưa bao giờ trong cuộc đời mình được diễn trên sân khấu 4 mặt, từ bên trái, bên phải, khán giả đằng sau, phía trước. Tôi có động thái để tạo sự tương tác giao lưu với khán giả hơn"- nghệ sĩ Minh Hải nói.
Xen kẽ vào các tiết mục của các nghệ sĩ Cải lương là màn biểu diễn của nghệ thuật xiếc.
Cũng chung cảm giác này, nghệ sĩ Như Quỳnh trong vai Tiên Dung bày tỏ: “Đến bây giờ chúng tôi đã quen với sự thử nghiệm này, khi bản thân mình làm được cảm thấy thích thú và tôi biết khán giả sẽ rất thích, bản thân tôi đã vượt qua được nỗi sợ, được hát và diễn trên cao là vô cùng thích thú”.
Vở diễn Cây gậy thần của cố tác giả Hoàng Luyện, chỉnh lý kịch bản: Lê Thế Song do đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng (xiếc) và NSND Triệu Trung Kiên (cải lương) cùng các nghệ sĩ, diễn viên….của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng.
Đây là tác phẩm đầu tiên trong dự án nghệ thuật Huyền sử Việt do hai đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL cùng thực hiện.
Tác phẩm kể về huyền tích mối tình giữa Chử Đồng Tử – Tiên Dung thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người.
Với kinh nghiệm và bút pháp uyên thâm trong những kịch bản đề tài dân gian huyền thoại, cố tác giả Hoàng Luyện đã thổi hồn vào câu chuyện cổ tích Chử đồng Tử – Tiên Dung với nhiều màu sắc hấp dẫn.
Kịch bản gốc dài 2,5 tiếng đồng hồ đã được tác giả Lê Thế Song, con rể của Hoàng Luyện chỉnh lý lại cho phù hợp với hai loại hình sân khấu cải lương và xiếc, đồng thời cũng rút gọn lại một nửa thời lượng.