Xử lý mẫu để xét nghiệm COVID-19 tại phòng xét nghiệm - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại cuộc họp, các chuyên gia phân tích ca lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng ở TP.HCM, đồng thời làm rõ hoạt động của các cơ sở cách ly dân sự, trách nhiệm giám sát cách ly tại nhà, giám sát y tế người hết thời gian cách ly tập trung...
"Có tình trạng trên máy bay hành khách không tuân thủ quy định phòng chống dịch, không đeo khẩu trang, cần có giám sát bằng camera để xử lý nghiêm, siết chặt quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước" - thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo cho biết.
Với việc TP.HCM khống chế không để dịch tại TP lây nhiễm sang chu kỳ thứ 3, hôm nay là ngày thứ 6 không ghi nhận thêm ca mắc cộng đồng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực của TP.HCM, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh.
48 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm đã khoanh vùng toàn bộ F1, F2, đây là tiến bộ lớn về khả năng dập dịch.
"Từ vụ việc ở TP.HCM, cũng cần phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp để tránh trường hợp tương tự" - Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng cho biết đã xác định nguy cơ nguồn bệnh chủ yếu từ người nhập cảnh cả hợp pháp và trái phép, thực phẩm nhập khẩu từ các nước có dịch... Từ vụ việc ở TP.HCM, cần siết chặt quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay về Việt Nam, thực hiện nghiêm quy định cách ly 14 ngày với người nhập cảnh.
Về cách ly tại nhà riêng, cơ bản không cách ly ở chung cư và chỉ được cách ly tại khu vực có đủ điều kiện. Khu cách ly dân sự, nhà riêng phải có biển báo...
"Nếu lơ là, hoàn toàn có thể xảy ra vụ việc như ở TP.HCM vừa qua. Một ca nhiễm có thể khiến hàng trăm ngàn học sinh phải nghỉ học, doanh nghiệp bị thiệt hại" - các chuyên gia cảnh báo.
TTO - TP.HCM đang cách ly tập trung 1.743 người và lập nhiều 'hàng rào' chống dịch sau 4 ca COVID-19 gần đây. Chuyên gia cho biết nếu giữ được dưới 10 ca bệnh, thành phố sẽ ngăn được lây nhiễm đợt 3.