Cuối tuần trước, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã cấp giấy phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số cho 4 doanh nghiệp, bao gồm liên doanh Grab - Singtel, tập đoàn tài chính Ant Group, tập đoàn SEA, và một liên doanh do Greenland Financial Holdings Group đứng đầu. Với giấy phép từ MAS, các doanh nghiệp nói trên sẽ có cánh cửa rộng mở hơn để chinh phục thị trường ngân hàng số đầy tiềm năng tại Singapore.
Liên minh Grab-Singtel cùng Sea và Ant Group nằm trong số những đơn vị ngân hàng số đầu tiên được cấp phép tại Singapore (Nguồn: The Straits Times)
Tuy nhiên, điều này là không hề đơn giản bởi các ngân hàng truyền thống hàng đầu tại đảo quốc sư tử cũng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ mới.
Ngay sau khi MAS công bố việc cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số, các ngân hàng truyền thống hàng đầu tại Singapore là DBS, OCBC và UOB đã lên tiếng chào đón sự xuất hiện của các đối thủ mới khi cho rằng, điều này sẽ khiến tính cạnh tranh trên thị trường tăng lên. Các ngân hàng truyền thống cũng tỏ ra rất tự tin vào khả năng cạnh tranh của mình.
Ông Shee Tse Kook, Giám đốc Ngân hàng DBS tại Singapore, cho biết: "Vị thế vốn mạnh mẽ của các ngân hàng truyền thống, cùng sự kết hợp giữa các dịch vụ kỹ thuật số và dịch vụ thực tế sẽ giúp chúng tôi duy trì sự khác biệt so với các đối thủ".
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các ngân hàng truyền thống tại Singapore đã cam kết đưa số hóa trở thành một phần cốt lõi trong nỗ lực chuyển đổi kinh doanh và đang chi rất mạnh tay để thực hiện kế hoạch này.
Chỉ 4 trong số 14 đơn vị đăng ký đạt đủ tiêu chuẩn cấp phép ngân hàng số của MAS (Nguồn: The Straits Times)
Chỉ riêng DBS đã đầu tư 3,3 tỷ USD trong bốn năm qua để nâng cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa AI vào công nghệ dự báo cho cả khách hàng cá nhân. Ngân hàng cũng hợp tác với Amazon Web Services để đào tạo các kỹ năng làm việc với AI và học máy cho khoảng 3000 nhân viên và quản lý cấp cao trong năm nay.
Một ngân hàng khác là UOB cũng đầu tư 1,5 tỷ USD để phát triển hạ tầng số trong khi OCBC mới đây đã thông báo kế hoạch tuyển dụng thêm 3 nghìn nhân viên, trong đó bao gồm nhiều chuyên gia công nghệ và tổ chức các khóa học phân tích dữ liệu cho nhân viên của ngân hàng.
Dẫu vậy, các ngân hàng truyền thống vẫn phải đối mặt với những khó khăn về chi phí trong việc duy trì mạng lưới chi nhánh thực - điều mà các ngân hàng kỹ thuật số không gặp phải.
Ông Ivan Tan, chuyên gia phân tích tín dụng tại S&P Global, nhận định: "Các ngân hàng lớn của Singapore đã bắt đầu hành trình kỹ thuật số từ cách đây vài năm, nhưng vẫn chưa chứng minh được khả năng tiết kiệm chi phí hoặc tăng thu nhập một cách đáng kể. Hiện tại, tỷ lệ lợi nhuận và hiệu quả của các ngân hàng mà chúng tôi đánh giá vẫn chưa có nhiều cải thiện".
Tuy nhiên, với việc hơn 90% người trưởng thành ở Singapore đã sở hữu tài khoản ngân hàng, các ngân hàng truyền thống vẫn sẽ sở hữu nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ mới. Một báo cáo mới đây của Moody's Investor Services cũng cho thấy, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng truyền thống hiện vẫn khá thuận lợi so với các ngân hàng kỹ thuật số nhờ nguồn lực dồi dào.
VTV.vn - Ứng dụng ngân hàng số Monese của nhà sáng lập Norris Koppel như một vị cứu tinh của những đối tượng khách hàng lâu nay bị các nhà băng truyền thống phân biệt đối xử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!