Quan điểm này một lần nữa được nhấn mạnh trong báo cáo "Đánh giá tác động kinh tế của Đại dịch Covid-19 và các gói kích thích kinh tế của Chính phủ đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2020" do Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Konrad-Adenauer phối hợp thực hiện và được công bố cuối tuần qua.
ƯU TIÊN DOANH NGHIỆP CÓ TIỀM NĂNG
Báo cáo công bố cho thấy, kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian diễn ra đại dịch đến hết năm 2021 (giả định Việt Nam và các nước đối tác kinh tế quan trọng đã về cơ bản kiểm soát được dịch bệnh do khả năng tiêm diện rộng vắc xin trong quý II – III/2021) khá đa dạng, song xu hướng tái cơ cấu hoạt động và chuyển đổi số là tương đối rõ. Đây là xu thế rất đáng khích lệ, tuy vậy, số doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể tương đối cao, thể hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, chưa xác định được đường hướng kinh doanh cho đến hết năm 2021.
Bên cạnh nhiều lĩnh vực thiệt hại nặng nề do dịch bệnh như hàng không, du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn, báo cáo cũng cho thấy nhiều nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch Covid-19 như dịch vụ game, phần mềm, bảo hiểm, thương mại điện tử... Đơn cử như trong thời gian giãn cách xã hội, VNPT E-learning tăng trưởng truy cập gấp 4 lần (5 triệu), Viettel Study đạt 41 triệu lượt truy cập trong 1 tháng.
"Đáng chú ý, xu hướng hoạt động của doanh nghiệp tốt dần lên trong các tháng 10 và 11/2020. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam song nguy cơ tái diễn vẫn còn và trên thế giới, dịch bệnh có xu hướng xấu đi, báo cáo chỉ ra rằng chỉ có thể kích thích tăng trưởng kinh tế, phục hồi kinh tế trong bối cảnh kiềm chế và dập tắt đại dịch.
Về các chương trình hỗ trợ, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng các gói kích thích kinh tế không phải là thuốc thần và không thể cứu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách hữu hiệu tương đối hạn chế trong tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số doanh nghiệp theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn tối đa, bảo đảm minh bạch, công bằng và thực thi cao.
"Mục tiêu của các gói kích thích là không nên cứu các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nặng nợ cho nền kinh tế mà chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn. Mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi hay thiệt hại từ đại dịch như nhựa, đạm ure, cao su thành phẩm, sản xuất – dịch vụ y tế...", TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh.
GIẢI PHÁP LINH HOẠT
Trên cơ sở nghiên cứu, Báo cáo cho rằng việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp trong thời gian tới cần được đặt trong bối cảnh mới như chiến tranh thương mại, thực hiện các FTA... để từ đó có chiến lược, chiến thuật cụ thể và theo lộ trình, kịch bản cụ thể, tính đến đầy đủ các phương án tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hay "rút lui" thích hợp.
Cách thức, dung lượng hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong nước tùy thuộc vào mức độ sở hữu nhà nước, chức năng/mức độ hoạt động công ích, mức độ trầm trọng hay khó khăn trong kinh doanh, tiềm lực và mức độ ảnh hưởng kinh tế, nhất là người lao động của từng doanh nghiệp.
Việc Nhà nước mua lại cổ phần của các hãng có khả năng hồi phục nhanh khi đại dịch được kiểm soát là một lựa chọn đáng lưu ý trong các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, như trường hợp giải cứu Vietnam Airlines. "Có thể kết hợp các cách thức hỗ trợ khác nhau với dung lượng chuyên biệt cho từng doanh nghiệp", ông Lê Xuân Sang nhấn mạnh.
Ý chí "chống dịch như chống giặc" và nỗ lực đạt mục tiêu kép khó có thể phát huy hữu hiệu nếu như không có những quy định pháp luật linh hoạt, hữu hiệu áp dụng cho "thời chiến". Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải có định hướng chỉnh sửa, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, như: điều chỉnh, hủy bỏ hay hoãn áp dụng một số điều luật/quy định trong trường hợp khẩn cấp (ví dụ ngưỡng nợ công). "Việc đặc cách cứu trợ Vietnam Airlines là một ví dụ ban đầu về tính linh hoạt trong hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay", báo cáo khẳng định.
Tháng trước, trước những thiệt hại nặng nề mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu do tác động của Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất gói hỗ trợ bổ sung cho các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn. Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một loạt những giải pháp tài khóa mạnh mẽ nhằm cứu trợ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không và du lịch để vượt qua những tổn thất nặng nề do thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, Bộ này đề xuất giảm 80% số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không, nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không. Nguồn lực dự kiến ước tính khoảng 11 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá tốt về những đề xuất dự kiến sẽ dành cho gói hỗ trợ nền kinh tế lần thứ 2, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên Học viện Tài chính nhấn mạnh, điều quan trọng là Quốc hội, Chính phủ phải đánh giá những ngành nào phải hỗ trợ trực tiếp và ngành nào phải hỗ trợ gián tiếp, chứ không phải ngành nào cũng được ưu tiên.
"Những ngành kinh tế cốt lõi, có tính lan tỏa lớn, ảnh hưởng lớn, nếu để bị phá sản sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp khác cũng phá sản thì phải được cứu trước. Trong những bối cảnh đặc biệt thì cần phải có chính sách đặc biệt, và chính sách này cần sớm được ban hành", ông Vũ Sỹ Cường đề nghị.
Xem thêm: mth.89623558080210202-naht-couht-iahp-oc-et-hnik-hciht-hcik-iog-cac/nv.ymonocenv