Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Tổng công ty VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.
Quá trình điều tra vụ án, ngày 1/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét, đối với: (1) Hoàng Trung Hậu, (2) Nguyễn Tấn Chánh, (3) Lê Công Bằng, (4) Quách Văn Phúc, (5) Phan Doãn Giang, (6) Đào Trọng Hiếu, (7) Nguyễn Đức Dũng, (8) Nguyễn Bá Giang, (9) Lã Văn Hải, (10) Kiều Đức Công, (11) Nguyễn Trung Thu, (12) Phạm Lê Bắc, (13) Phạm Văn Bảo - Kỹ sư vật liệu, Giám sát viên thuộc đơn vị Tư vấn giám sát thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty VEC làm chủ đầu tư, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Bộ Công an, các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng trong quá trình giám sát thi công, xác nhận nghiệm thu hạng mục công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dẫn đến đưa công trình không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, chiều dài toàn tuyến 139,2km, tổng vốn đầu tư khoảng 34,5 ngàn tỉ đồng. Dự án đầu tư này sử dụng vốn vay ODA của JICA và WB, vốn đối ứng trong nước; quá trình thi công được chia thành 2 giai đoạn, tương ứng với 2 đoan tuyến của dự án.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hình sự 19 người liên quan tại VEC, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Công an đã chỉ ra rất nhiều "lỗ hổng" của công trình 34,5 ngàn tỷ này.
Báo cáo kết quả điều tra vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Bộ Công an gửi tới Thủ tướng đã chỉ ra 4 'lỗ hổng' trong đầu tư xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn tới dự án vừa khai thác đã hư hỏng.
Bộ Công an xác định quá trình thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng công ty VEC, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế dự án được duyệt, dẫn đến công trình hư hỏng khi vận hành khai thác.
'Lỗ hổng' lớn nhất trong thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được chỉ ra là các nhà thầu nước ngoài có năng lực như: Công ty OHL (Tây Ban Nha) thi công gói thầu số 7; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thi công gói thầu A1 và A4; liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô (Trung Quốc) thi công gói thầu A2, A3; Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) thi công gói thầu A5, sau khi trúng thầu không trực tiếp thi công mà đi thuê rất nhiều thầu phụ Việt Nam làm các hạng mục chính, quan trọng của dự án.
Đánh giá của Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam cũng cho thấy chất lượng xây dựng 65km đường cao tốc, đoạn TP Đà Nẵng - TP Tam Kỳ (Quảng Nam) mặt đường không bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án nên khi gặp thời tiết nóng nắng kéo dài, mưa nắng đột ngột, kết hợp tác động của tải trọng, lưu lượng xe trên tuyến dễ bị hư hỏng.
Tại gói thầu A3 do liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô trúng thầu, liên danh này đã chia nhỏ gói thầu A3 cho nhiều thầu phụ trong nước làm. Chỉ một đoạn ngắn từ km101+800 đến Km102+400 (dài 0,4km) của gói thầu A3 cũng được giao tới 4 nhà thầu thực hiện.
Việc liên danh Tập đoàn Sơn Đông - Giang Tô 'băm nát' gói thầu nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thầu phụ, thầu thứ cấp, dẫn đến mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng. Liên danh nhà thầu Trung Quốc này cũng tự giải thể khi dự án còn nhiều công đoạn chưa thực hiện, công trình chưa được bàn giao...