Sau khi chiếm đoạt quyền truy cập Facebook, các đối tượng mạo danh chủ tài khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chiêu trò mới nhằm chiếm đoạt tài khoản Facebook
Những ngày gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook hoang mang trước một chiêu trò chiếm đoạt tài khoản rất mới, vô cùng tinh vi.
Theo đó, các tài khoản Facebook sẽ bị gắn thẻ, hoặc tag vào các bài viết với nội dung gây tò mò như tai nạn giao thông, kêu gọi ủng hộ... Khi chủ tài khoản nhấn vào xem bài viết, sẽ được dẫn tới một trang giống với giao diện đăng nhập Facebook.
Nếu người dùng điền thông tin tài khoản và mật khẩu, lập tức thông tin đăng nhập sẽ mất. Thậm chí, chỉ cần nhấn vào xem nội dung bài viết cũng có thể mất quyền truy cập tài khoản Facebook.
Cách thức nhận diện với hình thức lừa đảo này là các bài viết gắn thẻ nhiều người, không rõ nguồn gốc. Nội dung các bài viết gây sốc, tạo sự tò mò cho người khác. Đặc biệt, khi nhấn vào bài viết sẽ được yêu cầu đăng nhập thông tin tài khoản.
Trao đổi với PV Báo Lao Động anh Phạm Quốc N. (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), nạn nhân trực tiếp của chiêu trò lừa đảo này, cho biết “Ngày 7.12, Facebook tôi bị gắn thẻ một bài viết có nội dung tai nạn giao thông. Vì tò mò nên tôi đã nhấn vào xem, sau đó thì bị mất tài khoản”.
Sau khi chiếm được quyền truy cập, các đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản đó để thực hiện hành vi lừa đảo. Vẫn với chiêu trò cũ, kẻ xấu chia sẻ các bài viết trên trang cá nhân nhằm chiếm đoạt thêm nhiều tài khoản Facebook khác.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn mạo danh chủ tài khoản, trực tiếp nhắn tin với bạn bè bị hại để vay tiền, lừa đảo tài sản.
Để thực hiện hành vi lừa đảo một cách dễ dàng, các đối tượng chọn những người có quan hệ thân thiết với bị hại, sau đó nhắn tin, nói chuyện.
Thậm chí, kẻ xấu còn đầu tư thời gian, tìm hiểu cách thức xưng hô, nói chuyện giữa bị hại và bạn bè dễ tạo được lòng tin. Sau khi chiếm được sự tin tưởng, các đối tượng vẽ ra nhiều câu chuyện khác nhau, mục đích cuối cùng là mượn tiền, nhờ chuyển tiền vào một tài khoản khác.
Không ít nạn nhân đã sập bẫy những chiêu trò lừa đảo vô cùng tinh vi của các tội phạm trên không gian mạng.
Anh Nguyễn Hữu H. (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), một nạn nhân khác của chiêu trò lừa đảo này cho biết “Khi nhấn vào các bài viết được gắn thẻ trên Facebook, tôi đã bị mất tài khoản. Sau đó kẻ xấu liên tục nhắn tin cho bạn bè tôi để vay tiền, xin thẻ điện thoại. Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã chuyển tiền cho các đối tượng".
Sau khi thực hiện hành vi lừa đảo, kẻ xấu rao bán các tài khoản bị chiếm đoạt trên chợ đen với giá "rẻ mạt". Các tài khoản sẽ có từng mức giá khác nhau dựa trên số lượng người theo dõi, tương tác.
Cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật
Dù hình thức lừa đảo trên Facebook không còn mới, thế nhưng với nhiều chiêu trò tinh vi, nhiều tài khoản vẫn bị lừa.
Theo các chuyên gia nghiên cứu kỹ thuật công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt Facebook thực chất là hình thức Phishing attack (một dạng lừa đảo trên mạng) để lấy cắp thông tin đăng nhập Facebook.
Chuỗi lừa đảo này bắt nguồn từ một tài khoản ảo do người dùng chấp nhận kết bạn. Sau đó click vào nội dung giả từ tài khoản này dẫn đến việc mất tài khoản. Sau đó, kẻ xấu lợi dụng các tài khoản cướp được để đăng tin giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc trực tiếp đăng nhập tài khoản khi nhấn vào các bài viết không rõ nguồn gốc chính là tự khai thông tin cho hacker.
Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu bị gắn thẻ những bài viết không rõ, cần xoá, chặn các tài khoản đó. Nếu lỡ cung cấp thông tin cá nhân, cần lập tức thay đổi mật khẩu.
Xét về khía cạnh pháp lý, trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực- Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa cho biết “ Hành vi chiếm đoạt Facebook để mạo danh, lừa đảo tài sản vi phạm nghiêm trọng điều 290 BLHS về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác. Nếu nhận được các tin nhắn vay tiền không rõ ràng cần gọi điện xác nhận.
Tuyệt đối không đăng nhập trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường. Không nên cài đặt mật khẩu Facebook đơn giản, dễ nhớ.
Xem thêm: odl.096068-koobecaf-naohk-iat-taod-meihc-oad-aul-gnort-nab-ueihc-gnod-oab/taul-pahp/nv.gnodoal