Đây sẽ là số tiền lớn kỷ lục, ít nhất kể từ năm 2011, theo China Merchants Securities Co. Ngoài ra, số liệu được Bloomberg tổng hợp cho thấy, con số này cũng tương đương với khoảng 7% giá trị của toàn bộ thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Từ các đợt IPO cho đến bổ sung vị trí, các công ty đang cần huy động vốn của Trung Quốc đã được Bắc Kinh khuyến khích huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Hơn nữa, các công ty cũng đang trong giai đoạn gấp rút bán cổ phần khi tìm cách tránh sự hỗn loạn trên thị trường nợ trong nước. Do đó, lượng cổ phiếu hạn chế do các cổ đông lớn, giám đốc điều hành cấp cao và nhà đầu tư ban đầu nắm giữ đang tăng lên, khi Bắc Kinh nới lỏng quy định và thực hiện cải cách thị trường.
Amy Lin – nhà phân tích tại Capital Securities Corp., cho hay: "Nhiều công ty sẽ phát hành cổ phiếu để huy động vốn, đặc biệt là sau những vụ vỡ nợ gia tăng trên thị trường tín dụng. Động thái này có nghĩa là nhiều cổ phiếu hạn chế sẽ được tung ra thị trường trong tương lai. Trong khi đó, đây sẽ là một vấn đề ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian dài."
Lượng cổ phiếu hạn chế được phát hành trong năm tới tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt giá trị lớn nhất kể từ năm 2011.
Tại Trung Quốc, thời gian cổ phiếu hạn chế không được tung ra thị trường là từ 6 tháng đến 3 năm sau ngày niêm yết. Và khi những người trong nội bộ công ty được phép bán, phần còn lại của thị trường sẽ chứng kiến những tác động của hoạt động này. Một chỉ số theo dõi STAR đã giảm 8,2% trong 3 ngày giao dịch, sau lễ kỷ niệm 1 năm của sàn này hồi tháng 7, khi những người trong nội bộ công ty có cơ hội để bán cổ phiếu. Theo đó, chỉ số CSI 300 cũng giảm 4% trong cùng thời gian.
Năm tới, thị trường Trung Quốc sẽ chứng kiến việc các cổ phiếu hạn chế được phát hành trong quý II và quý III, theo báo cáo nghiên cứu gần đây của Industrial Securities Co. Các công ty trong ngành điện tử, y học và công nghệ sinh học, môi giới sẽ chứng kiến đợt phát hành cổ phiếu hạn chế với tỷ lệ lớn nhất trong năm tới, China International Capital Corp. cho biết. Theo dự kiến, sàn STAR sẽ ghi nhận một lượng lớn cổ phiếu mới được phát hành vào tháng 7 và toàn thị trường là tháng 6.
Dữ liệu Bloomberg tổng hợp cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được 438 tỷ CNY (67 tỷ USD) từ các đợt IPO cho cổ phiếu hạng A vào năm nay. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010. Năm nay, khối lượng phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.
5 công ty sẽ có đợt phát hành cổ phiếu hạn chế lớn nhất trong năm tới tại Trung Quốc sẽ là Contemporary Amperex Technology Co., Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics Co., Foxconn Industrial Internet Co., CSC Financial Co. và People’s Insurance Co. Group of China Ltd., với giá trị cổ phiếu của mỗi công ty là khoảng 198 tỷ CNY.
Trong khi thị trường phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ việc phát hành cổ phiếu hạn chế của các công ty, các nhà phân tích tin rằng triển vọng tích cực đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm tới phần nào có thể bù đắp phần nào áp lực, đặc biệt là khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục sau đại dịch. Các nhà phân tích tại China Merchants Securities dự kiến sẽ có hơn 1 nghìn tỷ CNY đổ vào cổ phiếu hạng A thông qua các quỹ tương hỗ và nhà đầu tư nước ngoài.
Dẫu vậy, việc đưa thêm cổ phiếu bị hạn chế vào thị trường vẫn là yếu tố tạo áp lực đáng kể. Li Shuwei – chủ tịch Beijing WanDeFu Investment Management Co., cho biết: "Tôi sẽ cảnh giác khi đầu tư vào các cổ phiếu có định giá cao và lượng cổ phiếu lớn đang chờ đợi để gia nhập thị trường."
Tham khảo Bloomberg