Theo Bộ Quốc phòng, sáng mai (10-12), tại Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Trung ương sẽ xử phúc thẩm ông Nguyễn Văn Hiến (cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng các bị cáo trong vụ án liên quan đến sai phạm tại ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM).
Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bảy bị cáo và bảy người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Trước đó, hồi tháng 5, Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến bốn năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: BTP
Về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, Bùi Như Thiềm (cựu trưởng Phòng Kinh tế QCHQ) bị phạt chín năm tù, Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng Phòng Tài chính QCHQ) bảy năm tù, Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc QCHQ) tám năm tù, Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành) bốn năm tù.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp với bản án 12 năm tù trước đó của Tòa án quân sự trung ương là 30 năm tù.
Phạm Văn Diệt (cựu tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình) bị tuyên phạt 15 năm tù và Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) bảy năm tù về cùng tội danh trên.
Đáng chú ý, tòa buộc các công ty liên doanh phải trả lại quyền sử dụng ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng. Tòa cũng tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước số tiền chuyển mục đích sử dụng ba khu đất là hơn 939 tỉ đồng.
Hệ thành lập nhiều công ty như Công ty Thái Sơn Bộ Q.p, Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P... khiến nhiều người lầm tưởng đây là các công ty của Bộ Quốc phòng.
Hệ còn thành lập nhiều công ty và đứng sau chỉ đạo như Công ty Yên Khánh, Tập đoàn Đức Bình, Công ty Mai Hiền…
Hệ điều hành các công ty là không góp vốn hoặc không góp vốn đầy đủ, thôn tính đất quốc phòng sau đó sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt quyền sử dụng. Hệ dùng ảnh hưởng và mối quan hệ của mình để chi phối, dành được các dự án lớn mà nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính phải thèm muốn.
Với thủ đoạn tinh vi nhằm thôn tính khu đất 7-9, Hệ đã gian dối trong việc phản ánh năng lực của Công ty Yên Khánh để ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành, rồi chuyển GCNQSDĐ từ Công ty Hải Thành sang Công ty Yên Khánh Hải Thành và mang đi thế chấp ở ngân hàng, phục vụ lợi ích riêng của Hệ.
Năm 2005, Đinh Ngọc Hệ nhờ cháu gái mình là Vũ Thị Hoan (sinh viên năm nhất hệ cao đẳng) đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh.
Một năm sau, dưới sự chỉ đạo của Hệ, Hoan ký tờ trình phản ánh gian dối về năng lực của Công ty Yên Khánh, gửi QCHQ đề nghị liên kết đầu tư dự án xây dựng tại khu đất số 7-9.
Theo hồ sơ, năm 2010, Sở TN&MT TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Yên Khánh Hải Thành (liên doanh giữa Công ty Yên Khánh và Công ty Hải Thành thuộc QCHQ).
Có được giấy chứng nhận, Hệ yêu cầu nhân viên mang đi thế chấp tại Ngân hàng BIDV để vay vốn cho các công ty của bị cáo. Ngân hàng và các công ty này thống nhất khu đất có giá trị hơn 717 tỉ đồng.
Hành vi trên của Hệ và đồng phạm đã chiếm đoạt của Quân chủng Hải quân quyền sử dụng khu đất số 7-9, có giá trị tại thời điểm tháng 2-2010 là hơn 525 tỉ đồng.