vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ vọng từ gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng

2020-12-10 09:55

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) kỳ vọng điều kiện, thủ tục, quy trình để tiếp cận gói hỗ trợ này cởi mở hơn nhằm có thêm nguồn vốn lãi suất thấp, góp phần vượt qua khó khăn.

Sớm triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp

Tại kỳ họp HĐND TP HCM khóa IX, trả lời đại biểu về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ có gói tín dụng hơn 4.000 tỉ đồng, lãi suất 0%.

Dự kiến, gói tín dụng này sẽ được TP hỗ trợ các DN gặp khó trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng và DN có doanh thu sụt giảm lớn.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, TP sẽ tiếp tục rà soát các DN gặp khó khăn để tháo gỡ tất cả vướng mắc từ khâu sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là DN nhỏ và vừa đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho hay gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng được các sở ngành phối hợp xây dựng, lấy ý kiến và tham mưu cho UBND TP triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ các DN bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Kỳ vọng từ gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 hy vọng sẽ được hỗ trợ từ gói 4.000 tỉ đồng của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đối với lĩnh vực du lịch, việc có thêm gói tín dụng ưu đãi này không chỉ hỗ trợ DN du lịch, mà các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực du lịch, như các bảo tàng cũng sẽ được hỗ trợ trả lương cho người lao động.

"Một phần nguồn hỗ trợ từ gói tín dụng này sẽ được dùng để các bảo tàng trên địa bàn TP miễn phí tham quan cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy gói kích cầu du lịch của TP" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho rằng nếu nhìn trên chỉ số đóng góp vào ngân sách của các DN có khởi sắc, số đóng góp của DN vào ngân sách tháng 11 tăng hơn 2 tháng trước, chứng tỏ sản xuất có phục hồi. Nhưng trên thực tế, nhiều DN khác lại theo chiều hướng suy kiệt và khó khăn rất lớn. Dự báo từ nay đến Tết nguyên đán, số DN đóng cửa tạm ngừng hoạt động sẽ tăng cao.

"Nếu TP triển khai gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng sẽ giúp các DN tiếp cận nguồn tài chính lãi suất 0% để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới" - ông Chu Tiến Dũng hy vọng.

Ông Giang Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess, cho biết đội tàu của công ty có 4 thuyền chuyên đón khách quốc tế, nay 3 thuyền phải nằm bờ từ đầu mùa dịch. Không có khách, không có nguồn thu, tài chính suy kiệt nhưng công ty vẫn phải cầm cự, tìm mọi cách xoay xở để giữ chân nhân viên. Do đó, khi có thông tin về các gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các gói tín dụng lãi suất thấp… công ty đều tìm hiểu và kỳ vọng.

"Lần này, thông tin về gói hỗ trợ tín dụng 4.000 tỉ đồng từ TP với lãi suất 0% DN cũng rất quan tâm nhưng quan trọng là có tiếp cận được không, thủ tục, quy trình thẩm định liệu có dễ dàng để sớm giải ngân, hỗ trợ DN trong lúc cấp bách này" - ông Giang Hoàng Hải bày tỏ.

Cần thoáng hơn về điều kiện cho vay

Theo ông Chu Tiến Dũng Chủ tịch HUBA, rào cản lớn nhất hiện nay trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ là phần lớn DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận các nguồn vốn vay, bao gồm cả vốn ưu đãi lãi suất do không có tài sản bảo đảm.

Cụ thể, hơn 90% DN nhỏ và vừa rất hạn chế về vốn và tài sản. Các đầu mối cho vay là ngân hàng, tổ chức tín dụng đều hứa xem xét cho các DN nhỏ và vừa vay vốn nhưng thực tế ngân hàng cũng là DN nên rất cân nhắc vì ngại vướng nợ khó đòi. Ông Chu Tiến Dũng đặt vấn đề Chính phủ, các cơ quan, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, cần có sự cân nhắc hài hòa, sao cho các khoản vay DN sử dụng đúng mục đích, kế hoạch và hiệu quả trên cơ sở giúp DN thuận lợi hơn trong việc vay vốn.

"Nếu vẫn giữ nguyên những điều kiện xét cho vay như hiện tại thì dù có bao nhiêu gói hỗ trợ, DN cũng chỉ… đứng nhìn chứ không tiếp cận được" - ông Chu Tiến Dũng nhận định.

Cùng quan điểm này, nhiều DN cho rằng lãnh đạo TP đã quan tâm hỗ trợ bằng chính sách nhưng để chính sách đi vào thực tiễn thì phải thông qua cơ quan thực thi là ngân hàng với những giải pháp hành động thiết thực hơn.

"Hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa, TP cũng từng có quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng 2 quỹ này đều "tắc" do vướng quy định về tài sản bảo đảm" - tổng giám đốc một DN dẫn chứng.

Giám đốc Sở Du lịch TP Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết những kiến nghị của các DN về các gói hỗ trợ thời gian qua đều được ngành du lịch và TP trình Chính phủ ghi nhận, hiện thực hóa bằng nghị quyết, thông tư. Dù vậy, trong quá trình triển khai cũng còn một số bất cập. Hiện các sở ngành đã tập hợp những bất cập này trình TP tiếp tục kiến nghị điều chỉnh để chính sách đi vào cuộc sống dễ dàng hơn.

Như trong lĩnh vực du lịch, thống kê của Sở Du lịch TP cho thấy đến nay có khoảng 453 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá điện; 600 hướng dẫn viên du lịch nhận được gói hỗ trợ; 21 DN được hỗ trợ giảm phí, lệ phí; một số DN được ân hạn, giảm lãi vay… Nhưng con số này không nhiều do phần lớn DN du lịch không có tài sản thế chấp. Do vậy, cần có cơ chế để DN du lịch được hỗ trợ từ nguồn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để không cần có nguồn thế chấp, bảo lãnh.

Sản xuất, thương mại còn khó

Theo thống kê của Sở Công Thương TP, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản xuất - thương mại trên địa bàn TP đều có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so với năm 2019.

Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 1.174.355 tỉ đồng, tăng 2,83% so với năm trước (năm 2019 tăng 13%). Thời gian qua, sở này đã triển khai nhiều chương trình hành động hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, vượt khó hậu Covid-19. Trong đó, đặc biệt là chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi, tăng cường kết nối để tìm đầu ra cho sản phẩm...

Gần đây nhất, Sở Công Thương phối hợp Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM hỗ trợ 17.215 khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền 87.638 tỉ đồng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ 14.632 tỉ đồng; miễn, giảm lãi suất 11.386 tỉ đồng và cho vay mới với lãi suất thấp là 61.620 tỉ đồng).

Xem thêm: mth.66552141290210202-gnod-it-0004-ort-oh-iog-ut-gnov-yk/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kỳ vọng từ gói hỗ trợ 4.000 tỉ đồng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools