Thị trường hôm nay chính thức vượt qua kỷ lục khớp lệnh hôm 24/11 vừa qua khi giao dịch tới trên 12.467 tỷ đồng hai sàn.
Con số này còn kém phiên ngày 25/1/2018 (13.725 tỷ đồng) nhưng nếu tính về giá trị tích lũy T+2 (bỏ tiền mua cổ phiếu và chưa bán ra rút tiền về được) thì 3 phiên gần nhất xác lập kỷ lục lịch sử: Giá trị khớp lệnh đạt 34.939 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD). Tính cả thỏa thuận, con số lên tới 38.804 tỷ đồng, tương đương 1,67 tỷ USD.
Mức giao dịch những phiên gần đây liên tục duy trì ngưỡng cực cao. Chẳng hạn tuần này mới 4 phiên mà đã có 3 phiên trên 10.000 tỷ đồng khớp lệnh. Tính cả tuần trước thì 9 phiên đã có 7 phiên vượt 10.000 tỷ đồng.
Thị trường đang chứng tỏ lượng tiền đổ vào chứng khoán đã khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử 20 năm qua. Điều này cũng dẫn đến đà tăng mạnh đến choáng ngợp của VN-Index mà không có điều chỉnh: Gần nhất là 4,5 tháng trở lại đây chỉ số tăng trên 32% mà nhịp giảm mạnh nhất cũng chỉ hơn 4% mà cũng chỉ kéo dài trong 4 phiên.
Tuy nhiên mức thanh khoản cực cao hôm nay lại gây ra hệ quả khá tiêu cực: VN-Index sụt giảm 0,79% tương đương 8,22 điểm, tức là mất gần hết mức tăng mạnh bất ngờ hôm qua (tăng 9,87 điểm).
Điều đáng tiếc hơn là nhà đầu tư thiệt hại rất nhiều: Độ rộng của HSX chỉ là 125 mã tăng/325 mã giảm. 176 cổ phiếu giảm trên 1%, trong đó 100 mã giảm hơn 2%.
Chỉ số có thể còn rơi tệ hơn nữa, thậm chí là giảm nhiều hơn mức tăng hôm qua nếu như không còn trụ đỡ. VNM tăng 2,1% chống đỡ rất tốt sức ép từ phía bán. Cổ phiếu này chuyển nhượng tới gần 6,1 triệu cổ, mức cao nhất trong 3 năm. Khối lượng khổng lồ này cũng ảnh hưởng đến VNM: Giá đỉnh cổ phiếu này thậm chí tăng 3,83% so với tham chiếu. Điều đó có nghĩa là nhiều nhà đầu tư mua giá đỉnh hôm nay vẫn lỗ khoảng 1,67%.
BID tăng 0,34%, VCB tăng 0,73% là hai blue-chips duy nhất còn trên được tham chiếu. Sức ép từ nhóm giảm quá mạnh: CTG giảm 1,45%, GAS giảm 1,97%, SAB giảm 1,2%, TCB giảm 1,75%, VHM giảm 1,65%, VIC giảm 1,04%, HPG giảm 2,34%, MSN giảm 1,76%.
Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm 0,97% so với tham chiếu và chỉ còn 8 mã tăng so với 21 mã giảm. Trong số này 17 mã giảm trên 1%. Cả VN-Index lẫn VN30-Index đều tăng trong nửa đầu phiên sáng nên mức thiệt hại gây ra cho nhà đầu tư còn cao hơn mức giảm cuối ngày nói trên. Đa số cổ phiếu đầu phiên cũng tăng khá tốt qua tham chiếu, nhưng đến cuối phiên hầu hết lại đóng cửa giá thấp nhất và giảm mạnh so với tham chiếu. Những mã như STB, SBT còn biến động giảm trên 3% so với đỉnh trong phiên.
Không có nhóm cổ phiếu nào chống đỡ nổi sức ép quá lớn phiên này. Midcap giảm 1,26%, Smallcap giảm 1,05%. Tuy nhiên vẫn có số ít cổ phiếu được đầu cơ giữ giá như CDC, HSL, POM, SKG, AGR, HNG, GMD tăng được trên 4%.
Với quy mô giao dịch quá lớn như hôm nay lại dẫn tới giá cổ phiếu giảm la liệt, có nghĩa là đã xuất hiện một đợt xả hàng cực mạnh. Thị trường giảm làm hai nhịp rất rõ ràng. Nhịp đầu tiên là nửa sau phiên sáng, VN-Index từ đỉnh cao 1.044 điểm trượt xuống 1.037 điểm ít phút đầu phiên chiều. Lực cầu bắt đáy nhập cuộc giữ thị trường ổn định đến khoảng 2h. Đã nhiều phiên thị trường biến động như vậy và sau đó đều được kéo lên.
Thế nhưng hôm nay tình thế lại khác biệt: Sau đợt xả đầu tiên, thị trường lại xuất hiện áp lực bán mới và lần này xả rất mạnh, kéo dài tới tận lúc kết thúc phiên. Độ rộng thị trường quá hẹp khẳng định không phải là hiện tượng ép trụ. Đại đa số cổ phiếu đều xuất hiện lực bán tương tự dẫn đến giá giảm. Thực tế mức giảm của VN-Index so với cổ phiếu vẫn còn là rất nhẹ.
Nhà đầu tư nước ngoài mua hỗ trợ khá tốt. HSX được mua ròng tổng hợp khoảng 253 tỷ đồng. Cổ phiếu trong rổ VN30 được mua ròng mạnh 459 tỷ đồng. Khối này mua ròng lớn ở HPG, DXG, VCB, VNM, GAS, SSI. Ngược lại, các mã bị bán ròng lớn là VRE, GMD, NKG, VSC, PVT, DRC, PAN, VCI, CTG..
Xem thêm: mth.51992055101210202-naohk-iat-ev-auhc-ueihp-oc-gnort-tek-gnad-dsu-yt-71-nag-pu-hnad/nv.ymonocenv