FTC cùng liên minh Thống đốc các bang cũng kiện công ty này về việc thực hiện thương vụ thâu tóm ứng dụng Instagram và Whatsapp. Cơ quan này đã viết trong đơn khiếu nại hôm 9/12 rằng các thương vụ trên được thực hiện nhằm "dập tắt" các mối đe dọa cạnh tranh đối với Facebook. Giờ đây, FTC yêu cầu Facebook phải thoái vốn tại 2 công ty này. Đây chính là ý tưởng gây ra mối đe dọa hiện hữu cho đế chế của Mark Zuckerberg.
Phần lớn tăng trưởng doanh thu của Facebook đến từ Instagram. Trong khi đó, WhatsApp là trọng tâm trong cuộc đặt cược của công ty này vào lĩnh vực thương mại kỹ thuật số. Bởi vậy, việc mất đi 2 nền tảng này có thể sẽ xóa bỏ phần lớn giá trị lâu dài của Facebook.
Dan Ives – nhà phân tích tại Wedbush Securities, từng nhận định rằng Instagram là 1 trong 3 thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hấp dẫn nhất trong 15 năm qua. Ông cho biết: "Sự tan rã này cực kỳ đáng sợ đối với nhà đầu tư. Bởi theo một cách nào đó, mô hình kinh doanh có thể bị phá vỡ. Tuy nhiên, Ives cho rằng, khả năng xảy ra sự tách rời là ‘mỏng manh’ nếu không có những thay đổi về luật pháp từ Quốc hội." Ives nhận định: "Đây sẽ là một chủ đề nóng, nhưng tình hình kinh doanh của Facebook trong thời gian tới."
Tuy nhiên, nhìn xa hơn những khả năng nay, thì bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy FTC đang nghiêng về ý tưởng đẩy Facebook đến bờ vực tan rã đều có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến cổ phiếu công ty này. Kết thúc phiên 9/12, cổ phiếu Facebook giảm 2%.
Facebook mua lại 2 nền tảng đầy tiềm năng này là một bước đi chính xác, bởi họ dự đoán rằng một ngày nào đó mạng xã hội Facebook sẽ lụi tàn và họ muốn là công ty quyết định đâu là ứng dụng mà người dùng sẽ sử dụng tiếp theo. Sự tan rã này sẽ làm mất đi những "tấm đệm" chống đỡ rủi ro cho Zuckerberg đối với tương lai của Facebook, cũng như những khoản đầu tư khổng lồ của vị tỷ phú vào 2 ứng dụng.
Vậy sự tan rã với 2 nền tảng đầy tiềm năng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của Facebook như thế nào?
Thương mại điện tử
Hiện tại, Facebook đang sắp hết "slot" đặt hiển thị quảng cáo trên trang mạng xã hội, khi có quá nhiều nội dung quảng cáo làm giảm trải nghiệm của người dùng. Do đó, doanh thu của nền tảng này chủ yếu dựa vào hoạt động mua sắm.
Trong năm nay, công ty đã áp dụng cách thức mua sắm trực tiếp thông minh qua hình ảnh và video trên Instagram, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp trên khắp thế giới sử dụng WhatsApp để giao tiếp với khách hàng. Facebook đã nỗ lực đạt được những tham vọng đó bằng mạng xã hội của mình, yêu cầu các doanh nghiệp phải có tài khoản Facebook để quảng cáo trên Instagram.
Ngoài ra, công ty này cũng đang có kế hoạch kết nối các cuộc trò chuyện trên WhatsApp với hoạt động mua sắm trên Instagram. Tuy nhiên, nếu không có 2 nền tảng này, con đường trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tăng trưởng doanh thu
Số lượng người dùng Facebook đã bắt đầu chững lại ở một số thị trường có giá trị nhất. Công ty cũng cảnh báo trong nhiều năm rằng không gian quảng cáo trên News Feed đang đến mức bão hòa. Điều này có nghĩa là sự tăng trưởng doanh thu gần đây của Facebook chủ yếu được thúc đẩy bởi Instagram.
Theo báo cáo của Bloomberg, Instagram đã mang về cho Facebook doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2019, bằng khoảng 29% tổng doanh số quảng cáo của Facebook trong năm ngoái. Công ty nghiên cứu EMarketer ước tính doanh thu năm 2020 của Instagram sẽ là 28,1 tỷ USD, tương đương khoảng 37% tổng doanh thu quảng cáo của Facebook.
Trong khi đó, WhatsApp gần như lại không kiếm được tiền cho Facebook. Tuy nhiên, điều này dự kiến sẽ thay đổi khi công ty đặt cược lớn vào các công cụ thanh toán, thương mại và dịch vụ khách hàng cho hơn 2 tỷ người dùng của nền tảng nhắn tin. Doanh thu của WhatsApp dù ở bất kỳ con số nào sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Facebook.
Các thị trường quốc tế
Cả WhatsApp và Instagram đều rất quan trọng với chiến lược quy mô quốc tế của Facebook. 2 ứng dụng này mang lại cho công ty chỗ đứng vững chắc tại các thị trường đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Brazil.
Tại 1 số quốc gia, lượng người dùng WhatsApp hoặc Instagram còn vượt xa công ty mẹ. Ví dụ, ở Ấn Độ, WhatsApp có hơn 100 triệu người dùng. Điều này rất quan trọng với Facebook, bởi công ty coi Ấn Độ là "biên giới internet" và lo ngại rằng các đối thủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp cận thị trường này trước. Tại Nhật Bản, Instagram có hơn 70% người dùng so với nền tảng chính của Facebook.
Facebook vẫn là mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhưng Instagram và WhatsApp mang lại cho công ty này dấu ấn lớn hơn nhiều so với việc họ là một ứng dụng độc lập. Việc "đánh mất" 2 nền tảng này sẽ khiến cơ sở người dùng của Facebook sụt giảm đáng kể.
Nhân khẩu học
Mọi người đều sử dụng Facebook, ngoại trừ lứa tuổi thanh thiếu niên. Pew Research cho biết 51% thanh niên độ tuổi từ 13-17 cho biết họ sử dụng Facebook vào năm 2018, giảm so với mức 71% trong vài năm trước đó. Trong khi đó, 72% thanh thiếu niên Mỹ dùng Instagram.
Đối với thế hệ người dùng trẻ tuổi, Facebook không còn phổ biến như trước đây, một phần vì có nhiều sự cạnh tranh hơn đối với thế hệ Z. Instagram chính là "vũ khí bí mật" của công ty để đối đầu với Snapchat và có thể là bức tường thành để chống lại TikTok.
Nếu không có Instagram, Facebook sẽ cần phải xây dựng các sản phẩm của riêng mình để thu hút nhóm người dùng trẻ tuổi nhất và được nhiều công ty săn đón nhất. Theo Bloomberg, không có dấu hiệu nào cho thấy Facebook sẽ làm được điều đó nếu Instagram không về "chung nhà".
Uy tín
Khi Facebook trải qua các vụ bê bối về vi phạm quyền riêng tư, thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử, ngày càng có nhiều người cho biết họ sẽ bỏ Facebook và chuyển sang Instagram, WhatsApp. Dù đều cùng 1 công ty, nhưng Facebook hiểu rằng 2 nền tảng mới này được đánh giá tích cực hơn. Gần đây, công ty này đã "áp" thương hiệu Facebook đối với những "thành viên" khác nhằm nỗ lực lấy lại niềm tin của người dùng. Ví dụ, Instagram giờ đây được gọi là "Instagram của Facebook".
WhatsApp và Instagram đều gặp trở ngại
Facebook không phải là công ty duy nhất gặp khó khăn nêu bị buộc phải thoái vốn. WhatsApp đã mất 6 năm không tập trung vào vấn đề doanh thu hoặc lợi nhuận mà là tăng trưởng người dùng, độ tin cậy và mã hóa – được tự do phát triển nhờ khoản đầu tư của Facebook. WhatsApp đang xây dựng hoạt động kinh doanh, nhưng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ thành công và nếu không có khoản tiền từ Facebook, họ cũng chịu áp lực lớn về vấn đề tài chính.
Trong khi đó, Instagram phụ thuộc Facebook trong nhiều mảng hoạt động, bao gồm cả công nghệ hỗ trợ kinh doanh quảng cáo. Ngoài ra, ứng dụng này cũng phải dùng đến các công cụ giám sát nội dung tự động của Facebook để ngăn chặn những nội dung thù ghét, khủng bố. Đây là một hệ thống mà công ty của Zuckerberg đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và duy trì. Do đó, nếu Instagram hoạt động độc lập, họ phải tự xây dựng những công cụ đó.
Tham khảo Bloomberg