Mở rộng với quy mô lên 8 làn xe
Ngày 10/12, theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long), đơn vị này đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô lên 8 làn xe.
CIPM Cửu Long cho biết, việc mở rộng tuyến cao tốc này là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho cả vùng miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đó, phương án chọn mở rộng tuyến cao tốc này có chiều dài 24km. Điểm đầu tại sau cầu Bà Dạt, phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Điểm cuối là điểm giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Đặc biệt, dự án này sẽ xây dựng thêm cầu Long Thành thứ 2 bắc qua sông Đồng Nai có quy mô như cầu Long Thành hiện hữu.
Phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô lên 8 làn xe. Ảnh: Tổng công ty Cửu Long
Theo đề xuất của CIPM Cửu Long, dự án sẽ mở rộng các đoạn gồm: An Phú - Vành đai 2 (Km0+500 – Km4+514) ra mỗi bên 5,25 m để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36,0 m (không bao gồm làn xe thô sơ); đoạn Vành đai 2 – nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km4+514 – Km24+558) mở rộng ra mỗi bên 7,5 m để đạt quy mô 8 làn xe.
Về phần cầu, xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu tại đoạn An Phú – Vành đai 2, bề rộng 5,25 m; đoạn Vành đai 2 - nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng xây dựng thêm mỗi bên 1 cầu phía ngoài các cầu hiện hữu 7,5 m; cầu Long Thành xây dựng 1 đơn nguyên hoàn chỉnh như giai đoạn 1, khoảng cách giữa 2 đơn nguyên cầu khoảng 12,75 m.
Ngoài ra, đầu tư mở rộng phần cầu cạn trong nút giao Vành đai 2 để đủ quy mô 8 làn xe cao tốc
"Riêng quy mô mở rộng cao tốc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư đồng bộ cùng các tuyến kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 2021 - 2025, giải quyết ùn ứ tại nút giao quốc lộ 51", CIPM Cửu Long thông tin.
Tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng kinh phí dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 300 tỷ đồng do chỉ thực hiện đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến hết cầu Long Thành.
Theo đó, để có nguồn vốn thực hiện dự án, CIPM Cửu Long kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án đầu tư công và làm việc với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đề xuất tài trợ vốn ODA cho dự án.
Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 5/2020, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản cũng đã gửi thư quan tâm đối với dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Bộ GTVT.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng kinh phí dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng. Ảnh: Invert.vn
Đối với quỹ đất phục vụ việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trước đó, thông tin với báo chí, ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh đã được địa phương quy hoạch với lộ giới rộng 120m nên đảm bảo cho nhu cầu mở rộng trong thời gian tới.
Tương tự, Sở GTVT TP.HCM cũng cho hay, quỹ đất để phục vụ mở rộng đường cao tốc đoạn quan địa bàn TP.HCM cũng đủ cho quy hoạch 10 làn xe.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu vận tải của tuyến cao tốc cũng như phù hợp với kế hoạch đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, CIPM Cửu Long cũng kiến nghị Bộ GTVT giao nhiệm vụ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng dự án cho đơn vị này thực hiện, cũng như giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu bố trí nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo CIPM Cửu Long, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của đường trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế cả nước.
Số liệu năm 2019 cho thấy, lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến (Long Phước – QL51) là 52.414 PCU/ngày đêm, ngày lễ tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm. Trong khi đó, với quy mô hiện tại chỉ có thể đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm.
"Lượng xe tăng cao, vượt năng lực khai thác dẫn đến tình trạng ùn ứ thường xuyên tại các khu vực: trạm Long Phước, nhánh D - quốc lộ 50, trạm Dầu Giây, các tuyến nối vào quốc lộ 51, đường Mai Chí Thọ, Võ Chí Công", CIPM Cửu Long cho hay.
Bản đồ quy hoạch tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Invert.vn
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, nối TP.HCM với Đồng Nai, điểm đầu tuyến là nút giao An Phú, quận 2, TP.HCM và điểm cuối là Dầu Giây, huyện Thống Nhất, Đồng Nai.
Được vận hành toàn tuyến từ năm 2015, cao tốc có chiều dài 55 km với vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng. Nhờ tuyến cao tốc mà cự ly và thời gian đi lại giữa TP.HCM đi Dầu Giây được rút ngắn từ 3h xuống còn 1h; từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ còn 3h thay vì 5h như trước đây; từ TP.HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 1,5h, nhanh hơn trước đây 1h. Tuyến đường thiết kế cho xe chạy tốc độ cao nhất 120 km/h, thấp nhất 80 km/h.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT xem xét đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe thay vì 8 làn xe theo quy hoạch.
Tuy nhiên, cuối năm 2019, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cửu Long nghiên cứu mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 6 - 8 làn xe, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.
Lý Tuấn
Nhà Đầu Tư