Sinh viên Liu Yuxuan chỉnh trang khuôn mặt trong nhà vệ sinh một trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 3-12 - Ảnh: REUTERS
Ảnh hưởng từ truyền thông xã hội và văn hóa chuộng cái đẹp của Hàn Quốc, ngày càng nhiều thanh niên thế hệ thiên niên kỷ - Millennials (sinh trong giai đoạn 1980-2000) Trung Quốc tìm mua các sản phẩm làm đẹp, đặc biệt là chăm sóc da mặt, theo Reuters ngày 11-12.
Công ty nghiên cứu Mintel ước tính thị trường chăm sóc da mặt của đàn ông Trung Quốc, hiện là thị trường lớn nhất thế giới, đạt 12,5 tỉ nhân dân tệ (1,9 tỉ USD) trong năm 2020, và sẽ tăng 50% lên 18,5 tỉ nhân dân tệ trong năm 2025.
Nhà cung cấp nghiên cứu thị trường Euromonitor International ước tính kinh doanh chăm sóc da nam giới tại Trung Quốc năm ngoái đã gấp 3 lần quy mô của thị trường ở Mỹ, và gấp đôi Hàn Quốc.
Ít nhất 10 thương hiệu chăm sóc da nam giới Trung Quốc mới đã xuất hiện trên trang web của những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến như Alibaba và JD.com trong năm 2020, theo Mintel.
"Rất nhiều thương hiệu nhỏ đang nổi lên trên các kênh trực tuyến. Các cửa hàng bán lẻ trực tuyến giúp nam giới tìm kiếm thông tin và các mẹo vặt dễ hơn các cửa hàng truyền thống. Trải nghiệm mua sắm trực tuyến giúp nam giới chọn thứ họ muốn nhanh chóng hơn" - công ty nghiên cứu Mintel giải thích.
Với 60% thị phần, thị trường chăm sóc da nam giới Trung Quốc vẫn do 3 ông lớn nước ngoài là L'Oreal của Pháp, Beiersdorf (với sản phẩm thương hiện Nivea) của Đức và Rohto của Nhật thống trị.
Tuy nhiên, như Reuters đưa tin, các công ty khởi nghiệp mới của Trung Quốc sẽ nhắm đến phần thị phần không hề nhỏ còn lại của thị trường chăm sóc da này.
Trong số các công ty chăm sóc da nam giới mới có Coen, thành lập vào tháng 9 năm nay, đã đạt 1 triệu nhân dân tệ trong 2 tháng nhờ bán hàng trên các cửa hàng trực tuyến. Một chai sữa rửa mặt 120ml của Coen có giá 64,9 nhân dân tệ (9,9 USD) trên nền tảng Tmall của Alibaba.
"Có hơn 200 triệu năm giới sinh từ năm 1995 trở đi tại Trung Quốc" - ông Huang Kai, chủ Coen, cho biết. Ông Huang tiết lộ, vài công ty khởi nghiệp trong ngành này đã cùng thu về hơn 300 triệu nhân dân tệ (45,8 triệu USD).
Một trong những thách thức chính của các công ty mỹ phẩm nam giới mới khởi nghiệp này là làm thế nào thuyết phục người tiêu dùng vốn đã tin dùng các sản phẩm ngoại chuyển sang dùng sản phẩm trong nước.
Một thầy giáo họ Hou thừa nhận ông sẽ không thử dùng sản phẩm trong nước. "Đồ thoa lên mặt, nên tôi không muốn thử các nhãn hiệu vô danh" - ông Hou nói.
Tuy nhiên, việc mời khách hàng chuyển sang dùng hàng trong nước vẫn khả thi. Sinh viên đại học Liu Yuxuan (22 tuổi) chia sẻ rằng anh có thể cân nhắc dùng sản phẩm trong nước nếu giá cả phải chăng.
TTO - Có bạn trẻ cho rằng chăm sóc da là chăm sóc bản thân, và người ngoài không có quyền đánh giá. Cùng xem các quan điểm khác biệt như thế nào về đề tài này.