Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG-HOSE) quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức với các Tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Cụ thể: sẽ có 4 Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn bao gồm: Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp, Tổng công ty Phát triển Bất động sản.
Theo đó, Hòa Phát dự kiến thoái vốn khỏi ngành Nội thất trong năm 2021 do ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại tiên tiến của Tập đoàn Hòa Phát.
Nội thất Hoà Phát được thành lập năm 1995 và hiện có trên 2.000 cán bộ công nhân viên và 5 chi nhánh trên cả nước. Các sản phẩm chính của Nội thất Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình làm từ ống thép – inox, nội thất giáo dục và công trình công cộng…
Tại báo cáo thường niên 2019, Hòa Phát cho biết liên tục dẫn đầu thị phần nội thất văn phòng với hàng loạt dự án lớn và với việc ứng dụng những công nghệ mới nhất trong sản xuất đã mang lại lợi thế và đà tăng trưởng mạnh mẽ cho Nội thất Hòa Phát, từ nội thất văn phòng tới nội thất gia đình, trong đó dòng hàng gia đình tăng trưởng 46% so với năm 2018.
Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát đã được thành lập từ năm 2016; Tổng công ty Phát triển Bất động sản Hòa Phát được Tập đoàn quyết định thành lập vào ngày 8/12/2020.
Được biết, Hòa Phát sẽ chi ra 1.998 tỷ đồng góp 99,9% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát. Công ty có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.
Bất động sản Hòa Phát sẽ thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ.
Tập đoàn đang làm hồ sơ pháp lý để hoàn tất thủ tục thành lập 2 Tổng công ty Gang thép và Tổng Công ty Ống thép và Tôn mạ màu trong tháng 12/2020.
Việc tổ chức quản lý theo mô hình Tổng công ty giúp việc điều hành hoạt động của Tập đoàn được thống nhất, xuyên xuốt trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Kết thúc quý 3/2020, HPG cho biết, lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ và là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.845 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh sắt thép và nông nghiệp có đóng góp lớn nhất.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của HPG ở mức 117.472 tỷ đồng - trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh so với đầu năm từ 1.374 tỷ lên 8.790 tỷ đồng.