Nhiều người vẫn thường có thói quen tái sử dụng lại các loại hộp nhựa để đựng thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều loại nhựa nếu tái sử dụng để đựng thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn nóng sẽ không tốt cho sức khỏe. Ảnh: NV
Ý nghĩa ký hiệu của từng loại nhựa
Khi mua những loại hộp nhựa, thông thường dưới phần đáy hộp có ký hiệu để xác định đó là loại nhựa gì để người sử dụng biết dùng đúng cách.
Theo PGS. TS Phạm Thị Anh, viện trưởng viện nghiên cứu môi trường và giao thông, trường đại học giao thông vận tải TP.HCM: có bảy loại nhựa sử dụng phổ biến, khi sử dụng chúng ta nên chú ý để dùng một cách phù hợp.
Cụ thể, loại 1: PET, là một loại bao bì thực phẩm có thể tạo màng hoặc tạo dạng chai lọ, chúng thường dùng để làm chai, bình đựng nước tinh khiết, nước giải khát có gas,…Loại nhựa này tương đối an toàn. Tuy nhiên, không nên tái sử dụng lại để chứa nước hoặc đựng thức ăn, do bề mặt có nhiều lỗ rỗng, xốp có thể cho phép vi khuẩn và mùi vị tích tụ, rất khó rửa sạch.
Loại 2: Polyethylene cao phân tử (HDPE), là một nhựa nhiệt dẻo làm từ dầu mỏ. Thường được sử dụng sản xuất chai nhựa, đường ống chống ăn mòn, màng chống thấm, và gỗ nhựa trong công nghiệp thực phẩm. Hầu hết các bình đựng sữa cho trẻ em, chai đựng sữa, nước trái cây, hoặc bình chứa các loại nước tẩy rửa, dầu gội đầu, nước rửa chén, sữa tắm…đều là loại nhựa này. Tuy có màu đục nhưng loại nhựa này được xem là an toàn vì vi khuẩn khó tích tụ do bề mặt khá trơn láng.
Loại 3: PVC, thường được sử dụng để làm nhãn màng co các loại chai, bình bằng nhựa hoặc màng co bao bọc các loại thực phẩm bảo quản.
Loại 4: LDPE, đây là loại nhựa polyethylene tỉ trọng thấp, thường được sử dụng để làm các loại bao bì, túi nhựa đựng hàng tạp hóa, giấy gói thực phẩm…Loại nhựa này được xem là khá an toàn và dễ tái chế.
Loại 5: PP, nhựa được làm từ polypropylene. Thường dùng làm hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng tương ớt, ống hút… Loại nhựa này được xem là an toàn, và rất dễ tái chế.
Loại 6: PS, nhựa Polystyrene, hay còn được gọi là xốp, thường được sử dụng để làm các loại đĩa, tô đựng mì ăn liền, ly dùng 1 lần,..Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng loại đồ nhựa này có khả năng tiết ra các chất hóa học độc hại, đặc biệt khi chứa đồ ăn nóng. Vì vậy, chúng ta nên tránh sử dụng các loại đồ nhựa mang nhãn số 6 để đựng thức ăn nóng.
Loại 7: PC, các loại nhựa khác, đây là sản phẩm từ hỗn hợp các loại chất dẻo. PC có khả năng chịu được nhiệt độ cao nên PC được dùng làm bình, chai, nắp chứa thực phẩm cần tiệt trùng.
“Các loại đồ nhựa số 2, 4, 5 (thuộc nhóm poly-Ethylene (PE) và Polypropylene (PP) thường được coi là an toàn. Nhựa số 1 cũng được xem là an toàn nếu chỉ được sử dụng 1 lần”, PGS. TS Phạm Thị Anh cho biết.
Dùng sai sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe
Khi sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn cần lưu ý, không nên dùng hộp nhựa để đựng thức ăn nóng, một số loại nhựa dùng một lần thì không nên tái sử dụng vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo TS. Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM: trong mỗi loại nhựa thường có con số, loại nhựa số 1 chúng ta không nên sử dụng nhiều lần vì chúng có thể bị nhiễm vi sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Loại nhựa polyethylene thường dùng làm đồ gia dụng, túi nylon, nếu sử dụng đồ nóng sẽ không tốt cho sức khỏe, vì một số loại sẽ có chất tạo dẻo, nếu kết hợp với nhiệt độ cao thì những chất này sẽ vào thức ăn, từ đó có khả năng gây ung thư.
“Khi sử dụng hộp nhựa để dựng thức ăn nên sử dụng chúng đúng cách và sử dụng đồ nhựa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Những loại nhựa trôi nổi trên thị trường rất khó xác định được chất lượng, nếu sử dụng chúng sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”- TS. Phan Thế Đồng chia sẻ.