Tại Hà Nội, cước phí 2 km đầu tiên dịch vụ xe ôm (GoRide) tăng 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Giá cước sẽ tăng từ 4.000 lên 4.400 đồng cho mỗi km (sau 2km đầu tiên). Các mức tăng này tương đương với tỷ lệ hơn 8,3-10%.
Tương tự, tại TP HCM, Gojek cũng tăng cước 2 km của GoRide từ 10.000 lên 11.000 đồng. Mỗi km tiếp theo (sau 2 km đầu tiên) tăng giá từ 3.600 lên 4.000 đồng mỗi km.
Còn giá cước dịch vụ giao hàng GoSend và giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội, TP HCM đều được tăng như nhau. Với GoSend, giá cước từ 4.000 đồng cũng tăng lên 5.000 đồng mỗi km (sau 2km đầu tiên). Với dịch vụ GoFood, thay vì giá cước 14.000 đồng cho 5km đầu tiên, Gojek tăng lên thành 15.000 đồng cho 3km đầu tiên. Giá mỗi km sau đó tăng từ 4.000 lên 5.000 đồng.
Động thái này được Gojek đưa ra sau khi Nghị định 126 - thay đổi cách kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ - có hiệu lực.
Gojek cho biết, tỷ lệ khấu trừ dành cho tài xế trên toàn bộ doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng, bao gồm thuế VAT (thay đổi) và mức phí dịch vụ 20% (không đổi). Tuy nhiên, thu nhập thực nhận của tài xế Gojek không đổi sau khi hãng này áp dụng mức giá mới (do Gojek tăng giá mạnh).
Theo minh hoạ của Gojek, sau khi tăng giá, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế là hơn 27,2%. Con số này tương đương với mức Grab đang áp dụng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thường xuyên rà soát lại cơ cấu tính cước và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo giá cước mang tính cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi cam kết luôn tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định pháp luật tại bất kỳ thị trường nào mà Gojek có hoạt động", đại diện Gojek cho biết tối 11/12.
Trước Gojek, Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ 5-6% từ 5/12. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.