Tổng chưởng lý Paxton của bang Texas (bìa trái) và một nhóm tổng chưởng lý các bang từ hai đảng đứng trước Tòa án tối cao Mỹ ở Washington D.C hồi tháng 9-2019 - Ảnh: AP
Bên ngoài Tòa án tối cao Mỹ là cảnh đối đầu giữa hai phe ủng hộ và phe phản đối vụ kiện chưa từng có tiền lệ trên với lực lượng đang dày thêm ở mỗi bên.
Nước Mỹ đã bị chia rẽ sâu sắc theo những cách mà người ta chưa từng thấy kể từ cuộc bầu cử năm 1860 (ngay trước nội chiến Mỹ).
Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu trong kiến nghị gửi lên Tòa án tối cao Mỹ hôm 9-12 để được tham gia vụ kiện Texas.
Tấn công nhau dồn dập
Ngày 9-12, 17 bang dưới sự dẫn đầu của bang Missouri nộp bản đóng góp ý kiến lên Tòa án tối cao Mỹ theo hình thức "Amicus curiae" (bạn của tòa) và động thái tương tự của bang Arizona.
Một ngày sau đó, 6 trong số những bang này đã yêu cầu được tham gia vào vụ kiện với tư cách bên liên quan. Đó là các bang Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Utah.
Vụ kiện cũng nhận được sự ủng hộ của 106 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, dẫn đầu là dân biểu Mike Johnson đến từ bang Louisiana. Họ đã ký bản đóng góp ý kiến bày tỏ quan ngại về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử.
Không biết có phải "đổ thêm dầu vào lửa" nhằm gia tăng áp lực lên Tòa tối cao hay không, ông Kyle Biedermann, dân biểu Đảng Cộng hòa đến từ bang Texas, tuần này cho biết sẽ đề xuất dự luật cho phép trưng cầu ý dân tách bang Texas khỏi Mỹ và trở thành một quốc gia độc lập.
"Chính quyền liên bang đã mất kiểm soát và không đại diện cho các giá trị của người dân Texas" - ông Kyle Biedermann giải thích trên Facebook và cho biết dự luật này phù hợp với hiến pháp bang Texas. Nhưng không rõ khi nào ông Biedermann đề xuất và kế hoạch này thành bại ra sao.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, phía bị đơn và những bên ủng hộ bị đơn đã lên tiếng, cho thấy sự hình thành hai phe đối đầu nhau. Ở phía này, ngày 10-12, đại diện 4 bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia nộp phản hồi lên Tòa án tối cao, đề nghị tòa bác đơn kiện của Texas. Họ nói rằng việc chấp nhận yêu cầu chưa từng có của Texas sẽ "phá hoại hiến pháp" và "tước quyền công dân" của hàng triệu cử tri.
Cùng ngày, Tổng chưởng lý Karl Racine của Washington D.C đã dẫn đầu 22 bang và vùng lãnh thổ (như California, Colorado, Connecticut, Delaware, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New York…) gửi bản đóng góp ý kiến lên Tòa tối cao bày tỏ ủng hộ 4 bang bị kiện. Với các diễn biến như vậy, Hãng tin Reuters đánh giá nhiều bang đã "tấn công dồn dập" Texas.
Theo báo New York Times, kể từ lúc bang Texas kiện 4 bang chiến trường, Tòa án tối cao Mỹ đã nhận hơn một chục bản đóng góp ý kiến "bạn của tòa" và nhiều kiến nghị ủng hộ cả nguyên đơn và bị đơn từ nhiều liên minh bang đỏ (ủng hộ Đảng Cộng hòa) và bang xanh (ủng hộ Đảng Dân chủ), các cá nhân từ Tổng thống Trump đến các chính khách và học giả.
Giải pháp nào?
Đơn kiện của Texas không đưa ra các cáo buộc gian lận cụ thể giống các đơn kiện của đội ngũ pháp lý của ông Trump. Thay vào đó, Texas nhắm vào những thay đổi được 4 bang chiến trường áp dụng với thủ tục bầu cử - điều mà theo họ đã xóa bỏ hàng rào bảo vệ ngăn gian lận và là hành động phi pháp vì do quan chức bang quyết định, không nhận được sự tán thành của các cơ quan lập pháp tiểu bang.
Ông Trump đến nay vẫn chưa chịu nhượng bộ vì nghi ngờ có gian lận bầu cử. Tuy nhiên, các thành viên Đảng Dân chủ lại cáo buộc phía ông Trump muốn làm suy giảm lòng tin của công chúng vào tính toàn vẹn bầu cử và phá hoại nền dân chủ Mỹ bằng cách hủy bỏ nguyện vọng của cử tri.
Đài Fox News đánh giá vụ kiện Texas là "độc nhất vô nhị", bởi lẽ họ tận dụng "quyền xét xử đầu tiên" - vốn hiếm khi được Tòa án tối cao sử dụng và thường chỉ để giải quyết chuyện kiện tụng giữa các bang. Giờ đây sự chú ý đang đổ dồn về quyết định của Tòa án tối cao.
Ông Ilya Shapiro, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hiến pháp Robert A. Levy tại Viện Cato (Mỹ), cho rằng nếu Tòa án tối cao nêu lên ý kiến về vụ kiện Texas để dập tắt những hoài nghi về cuộc bầu cử, đó sẽ là giải pháp tích cực.
"Nếu Tòa án tối cao tiếp nhận vụ kiện này và nhất trí ra phán quyết chống lại nó thì có thể điều đó sẽ tốt cho đất nước này, vì như vậy có thể làm cho những người ủng hộ ông Trump yên ắng" - ông Shapiro nói.
Theo trang The Hill, các chuyên gia pháp lý đánh giá thậm chí nếu Tòa án tối cao đồng ý thụ lý vụ kiện, gần như chắc chắn các thẩm phán sẽ không can thiệp trước thời điểm các đại cử tri bỏ phiếu bầu ra tổng thống vào ngày 14-12, vốn đang cận kề.
"Phép thử quỳ tím"
Hãng tin AP bình luận vụ kiện của bang Texas nhằm yêu cầu tòa vô hiệu hóa kết quả của 4 bang chiến trường mà ông Biden thắng đã nhanh chóng trở thành "phép thử quỳ tím" (đánh giá suy nghĩ) của phe bảo thủ, khi nhiều thành viên Quốc hội Mỹ và tổng chưởng lý thuộc Đảng Cộng hòa đã lên tiếng về vụ kiện này.
Ngày 10-12, Tổng thống Trump đã gặp tổng chưởng lý Ken Paxton của bang Texas - người đã đệ trình đơn kiện lên Tòa tối cao - và một nhóm tổng chưởng lý Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng.
TTO - Giới quan sát lưu ý các quốc gia châu Á không nên trông chờ vào sự trở lại khu vực một cách nhanh chóng của nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden.
Xem thêm: mth.26590410021210202-neit-uad-ux-tex-neyuq-gnud-nat-saxet-neik-uv-swen-xof/nv.ertiout