Dân không mặn mà
Trong một lần đi xe ô tô cá nhân qua trạm giao thông BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (BOT: trạm thu phí vận hành bằng hình thức: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), anh Nguyễn Thái Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) được nhân viên trạm thu phí hướng dẫn áp dụng thu phí tự động không dừng (gọi tắt là ETC), đồng thời kích hoạt tài khoản để nạp tiền và dán thẻ thu phí tự động không dừng (Etag) miễn phí.
Biết là chủ trương đúng đắn, hướng đến lợi ích của người dân (được minh bạch thu phí, tiết kiệm thời gian lưu thông…) và Nhà nước (dễ quản lý, tránh thất thu thuế, hạn chế sử dụng tiền mặt…) song anh Hùng cũng không mặn mà vì thủ tục khá lằng nhằng, phức tạp.
“Hôm đầu tôi nộp 100 nghìn đồng cho nhân viên thu phí để kích hoạt tài khoản ETC, đến khi tự đăng nhập vào tài khoản để nạp thêm tiền thì không thể đăng nhập được. Sau 2 lần nộp tiền tự động, không rõ tài khoản còn bao nhiêu nên tôi cứ đi vào làn ETC, thì được nhân viên hướng dẫn đi sang làn thu phí hỗn hợp (có thu tiền mặt – PV) vì tài khoản ETC không đủ tiền”, anh Hùng cho biết.
Còn anh Vũ Thế Minh (TP. Hải Phòng) thì chia sẻ, do nhận thức được lợi ích của ETC nên anh đã tham gia dán thẻ Etag từ khá sớm. Tuy nhiên, có một bất cập là mặc dù cả tháng không đi qua trạm BOT nào, nhưng hệ thống vẫn tự động trừ 10 nghìn đồng/tháng.
“Số tiền không nhiều nhưng tôi cảm thấy không thoải mái. Nếu muốn khuyến khích người dân tham gia phương thức thu phí ETC nhiều hơn, theo tôi cơ quan quản lý cần bỏ hoặc giãn thời gian thu khoản tiền này”, anh Minh nói.
Mặt khác, theo chia sẻ của nhiều chủ phương tiện tham gia giao thông, việc cho phép tồn tại song song cả làn thu phí ETC và làn thu phí hỗn hợp trong một thời gian dài vừa qua, nhân viên thu phí lại có vẻ hào hứng thu tiền mặt hơn, khiến cho đa số người dân đi vào làn hỗn hợp để nộp tiền cho nhanh.
16 trạm BOT vỡ tiến độ thu phí ETC
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, báo cáo các tồn tại, khó khăn, vướng mắc tại 16 trạm thu phí BOT trên cả nước, bao gồm 8 trạm do bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, 4 trạm cho UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và 4 trạm thuộc quản lý của tổng công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Do có tính chất đặc thù, bộ GTVT cho rằng các trạm thu phí này không thể triển khai hoặc phải lùi thời gian triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng sau năm 2020.
Cụ thể, báo cáo của bộ GTVT nêu rõ, có 8 trạm thu phí do Bộ này phụ trách là: 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, trạm cầu Mỹ Lợi và trạm Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm tại QL51).
Bộ GTVT cho rằng, việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các dự án này nằm trên các tuyến có lưu lượng giao thông thấp, không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Về giải pháp đối với các trạm thu phí này, bộ GTVT cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác thu phí đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Đối với 4 trạm BOT do Cà Mau quản lý, UBND tỉnh đề xuất không triển khai thu phí ETC vì các trạm này thu phí các công trình cầu có quy mô nhỏ, ô tô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là mô tô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.
Lý giải về 4 trạm do VEC quản lý vỡ kế hoạch, bộ GTVT cho rằng, do những vướng mắc về nguồn vốn triển khai, tái cơ cấu các dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) liên quan đến dự án ETC bị chậm nên không thể hoàn thành trong năm 2020.
Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chỉnh phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo, hiện nay VEC đang xây dựng giải pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền để có căn cứ thực hiện.
Theo số liệu của tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, 44 trạm thuộc dự án ETC giai đoạn 1 (dự án BOO1) đã cơ bản vận hành thương mại ở hai làn mỗi chiều xe chạy. Đối với dự án giai đoạn 2 (dự án BOO2) đang triển khai đồng loạt ở 25 trên tổng số 33 trạm. Tiến độ đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra, đến ngày 31/12 cơ bản các trạm sẽ thu phí tự động không dừng.
Được biết, đến nay, có khoảng 1 triệu phương tiện đã dán thẻ Etag. Trong khi trước đây chỉ có 10% người dân nạp tiền sử dụng dịch vụ thì nay đã tăng lên hơn 40%. Hiện cả nước có hơn 3,8 triệu ô tô đang lưu hành và mỗi năm thêm 500 nghìn ô tô được đăng ký mới.
31/12/2020 không lắp đặt xong trạm thu phí không dừng thì dừng thu phí
Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 25/11, tại cuộc họp thường trực Chính phủ bàn về biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý bất cập ở các dự án BOT giao thông, trong đó có việc thu phí không dừng.
Thủ tướng yêu cầu bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động quyết liệt đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí tại các trạm theo đúng kế hoạch, bảo đảm đến 31/12/2020 đưa vào hoạt động đồng bộ trên cả nước.
Giải pháp nào?
Theo Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ, thu phí ETC là mô hình mới, dùng công nghệ tự động thay thế con người; khi thực hiện dự án còn nhiều vấn đề chưa rõ về hành lang pháp lý, những phát sinh, những đối tượng liên quan. Trong khi đó lại cần sự phối hợp của nhiều chủ thể như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ ETC, nhà đầu tư BOT, các ngân hàng và chủ phương tiện giao thông đường bộ.
Đơn cử như với nhà đầu tư BOT, dự án ETC là hạng mục được bổ sung trong khi nhà đầu tư BOT đã hoàn thành đầu tư, lắp trạm thu phí một dừng (MTC) và đã triển khai thu phí. Hạng mục lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng được bổ sung vào dự án trong khi phương án tài chính của dự án BOT đã được hoàn thiện và có sự thống nhất của ngân hàng tài trợ vốn, còn vốn tín dụng cho nhà đầu tư thực hiện thu phí không dừng lại chưa được thống nhất phương án.
Đối với nhà cung cấp dịch vụ ETC, nếu phương án tài chính khả thi thì ngân hàng cũng sẽ tạo điều kiện cho vay đầu tư. Tuy nhiên, khi lập phương án tài chính, một số nhà đầu tư BOT không đáp ứng được nên ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy, ngân hàng phải xem xét lại cấp tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ ETC.
“Thêm nữa, có nhiều trường hợp nhà đầu tư BOT đã thế chấp tài sản dự án cho ngân hàng. Muốn đầu tư thu phí không dừng lại phải được sự đồng ý của ngân hàng. Trong khi một số trạm doanh thu chưa đủ để hoàn trả vốn vay thì ngân hàng khó đồng ý để cho vay tiếp đầu tư thu phí không dừng. Mỗi đối tượng, mỗi khâu vướng một chút, quá trình tích lũy lại ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ.
Theo hiệp hội Các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ (VARSI), việc lưu lượng phương tiện sử dụng dịch vụ ETC thấp và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân sẽ gây rủi ro cho việc thu phí của nhà đầu tư BOT khi bàn giao toàn bộ các làn chuyển sang hình thức thu phí không dừng và chỉ để lại 2 làn ngoài cùng sử dụng hình thức thu phí hỗn hợp ETC+MTC (thu phí thủ công một dừng), vì có khả năng dẫn đến ùn tắc giao thông, thất thoát doanh thu cho doanh nghiệp dự án.
Với những vướng mắc trên, nhà đầu tư rất cần có sự tháo gỡ để vừa hài hòa lợi ích, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện thu phí không dừng theo đúng chủ trương, kịp hạn chót đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí ETC
Mặt khác, để khắc phục những bất cập cho người sử dụng, bộ GTVT cho biết, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành việc kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác.
Đối với giai đoạn 2, hiện Viettel đang tổ chức thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước 31/12/2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – ông Nguyễn Văn Huyện – cũng nhận định, tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân cần phải được được kết nối như ví điện tử tạo thuận tiện cho người dùng.
Theo ông Huyện, tài khoản thu phí này chưa được coi là ví điện tử và không được kết nối với tài khoản cá nhân. Chủ phương tiện phải nạp một số tiền nhất định trước khi lưu thông qua trạm thu phí và không được tính lãi và đây chính là bất cập phải giải quyết. Làm sao để chủ phương tiện tự quyết định được số tiền cho hành trình của mình, thậm chí có thể rút tiền trong tài khoản giao thông để sử dụng cho mục đích khác chứ không phải chỉ nạp tiền vào và không được hưởng lãi.
ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội - thì cho rằng dự án ETC vỡ tiến độ là do chưa lường hết được những bất cập chưa có tiền lệ, đặc biệt chưa tạo cho người dân nhiều lựa chọn.
“Bây là tháng 12 rồi, tôi cho rằng dự án thu phí tự động không dừng sẽ không đạt kế hoạch về tiến độ. Theo tôi nguyên nhân chính là chúng ta chưa lường hết được những bất cập mà từ trước tới giờ Việt Nam chưa có tiền lệ. Việc đơn giản nhất là, chúng ta còn chưa nắm rõ được hết các tài xế, chủ xe có những tài khoản ngân hàng nào để triển khai thu phí ETC".
Ông Hoà nhận định, chưa có một dự án nào mà Thủ tướng lại quan tâm, lại có nhiều văn bản chỉ đạo như dự án thu phí tự động không dừng. Để thực hiện được dự án, bộ GTVT phải có sự kiên quyết trong năm 2021. Hiện nay, bộ GTVT chỉ đề xuất một vài ngân hàng tham gia vào dự án thu phí tự động không dừng là không công bằng và rất bất cập. Đây cũng chính là nguyên nhân cốt lõi khiến dự án thu phí không dừng không đạt được mục đích bởi vì nó gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, thu phí không dừng cần phải đa dạng dịch vụ như dừng trước trả sau giống như các mạng thuê bao di động đang áp dụng, để tăng lựa chọn cho người dùng.
Đối với các nhà đầu tư chây ì không chịu thực hiện dự án, vị ĐBQH cho rằng bộ GTVT cần mạnh tay xử lý trên tinh thần không cho thu phí, thậm chí có thể xử phạt vi phạm hành chính. Nếu phạt nhiều mà vẫn tái phạm thì còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dự án thu phí điện tử không dừng (ETC) bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ. Đến nay, 40/44 trạm giai đoạn 1 đã vận hành hệ thống ETC,
Giai đoạn 2, bộ GTVT cho biết, đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ 2 là công ty CP Giao thông số Việt Nam (nền tảng là tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội - Viettel) để triển khai. Nhà đầu tư cam kết hoàn thành lắp đặt thiết bị ETC tại 25/33 trạm đủ điều kiện triển khai.
Minh Minh