- Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống
- Nâng cao hiệu quả đấu tranh với vi phạm về an toàn thực phẩm và bảo vệ động vật hoang dã
- Đấu tranh mạnh với vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
- Trình Chính phủ đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm
- Siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Số vụ ngộ độc thực phẩm tăng
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành y tế đã kiểm tra hơn 406.000 cơ sở, phát hiện hơn 58.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý hơn 10.000 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 49 tỷ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt, ngành y tế đã đình chỉ lưu hành gần 559 loại thực phẩm của 49 cơ sở; gần 1.900 cơ sở tiêu hủy sản phẩm; gần 5.700 loại thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm (không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng…); 9 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả…
Các lực lượng chức năng đã kiểm nghiệm gần 9.900 mẫu thực phẩm tại các phòng thí nghiệm, góp phần ngăn chặn thực phẩm không an toàn lưu hành, đánh giá được nguy cơ mất an toàn, triển khai thanh tra dựa trên nguy cơ đạt hiệu quả, cảnh báo đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, tính đến tháng 10/2020, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra hơn 12.200 vụ, xử lý gần 7.200 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính gần 18 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 28,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, sau khi kiểm tra hoạt động của một số website thương mại điện tử, ngành Công Thương phát hiện và thu giữ hơn 14.300 đơn vị hàng thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, rượu các loại do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định.
Tính đến ngày 15/11/2020, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 8.529 vụ với 8.548 đối tượng vi phạm; xử lý hành chính 7.659 vụ với gần 7.189 cá nhân, 653 tổ chức với tổng số tiền xử phạt khoảng 53 tỷ đồng. Đồng thời, cảnh sát điều tra khởi tố 7 vụ, 8 bị can vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Các Viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế đã giám sát 3.749 mẫu để phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, trong đó phát hiện 207 mẫu có kết quả không đạt. Trong số gần 48.000 mẫu thực phẩm được thực hiện giám sát tại 42/63 tỉnh, thành phố, 1.121 mẫu không đạt. So với năm 2019, tổng số mẫu được giám sát tăng 1,3 lần, số mẫu không đạt giảm 1,7 lần.
Tính đến cuối tháng 11/2020, toàn quốc ghi nhận 121 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.616 người mắc, 30 người tử vong, tăng 39 vụ, 568 người mắc, 21 người tử vong so với năm 2019. Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ, ngộ độc rượu có methanol tăng. Đặc biệt, vụ Pate Minh Chay gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát hiện vi khuẩn clostriduim botulinum trong mẫu sản phẩm.
Xử lý nhiều vấn đề nóng
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, công tác triển khai hoạt động về thông tin, giáo dục truyền thông và thanh tra, kiểm tra cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; tăng cường sự tham gia của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm theo đúng pháp luật; công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin, lựa chọn thực phẩm an toàn. Nhiều vấn đề nóng như sử dụng kháng sinh hóa chất trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm… cơ bản được xử lý.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, tập trung làm rõ nguyên nhân gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học; số người tử vong tăng, nguy cơ truyền nhiễm bệnh qua thực phẩm cao; việc kinh doanh trực tuyến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội…
Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong xử lý vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội chưa hiệu quả. Công tác tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Tại cuộc họp, Thiếu tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết, trước diễn biến phức tạp của tội phạm liên quan đến tội "Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm", Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, mở các đợt cao điểm kiểm tra, giám sát trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Đồng thời, Công an các địa phương rà soát, xác định rõ lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm vi phạm để xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Thiếu tướng Trần Minh Lệ đề xuất, cần nghiên cứu để sớm hoàn thiện quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Bởi, qua thực tế đấu tranh, hậu quả do sử dụng thực phẩm không an toàn là quá trình tích tụ, không xảy ra tức khắc dẫn đến khó khăn cho việc chứng minh quan hệ nhân quả.
Thúc đẩy hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong bối cảnh dịch COVID-19, công tác quản lý an toàn-vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thực hiện quyết liệt, đạt một số hiệu quả nhất định.
Phó Thủ tướng lưu ý, trước nhu cầu mua sắm gia tăng của người dân dịp lễ Tết cuối năm, trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cần vào cuộc sớm hơn nữa để kịp thời kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế sớm hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương đối với 6 nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, năm 2021, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, đánh giá, tổng kết mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh; nghiên cứu xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thống nhất, tinh gọn, hiệu quả để đáp ứng cơ chế quản lý tăng cường hậu kiểm.
Các thành viên Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để có các cơ chế, chính sách hướng tới mục tiêu, từ năm 2021, thực phẩm tiêu thụ trong nước đạt tiêu chuẩn ngang với thực phẩm xuất khẩu.
Theo đó, các ý kiến đề nghị thúc đẩy hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực quốc gia và địa phương theo chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với người tiêu dùng trong nước.