An bị thu hút bởi những cuốn truyện tranh, đồ chơi, cặp sách, búp bê có màu hồng, đỏ, hoặc tím. Bẩm sinh là con trai, nhưng cậu thích để tóc dài, nuôi móng tay, và thi thoảng khi ở nhà một mình, An thoa son, đánh phấn và khoác váy của người chị. Nhận thấy biểu hiện "đặc biệt" của con trai, bố mẹ cậu, vốn là những bậc giáo viên nghiêm khắc, đã răn đe, trừng phạt, rồi khuyên bảo, nịnh nọt bằng đồ chơi ô tô, máy tính riêng đánh game, thuê thầy dạy bóng đá… nhưng tất cả đều trở nên xa lạ với An.
Bước vào tuổi dậy thì, cậu luôn cảm thấy bức bối, khó chịu với những chiếc ria mép mọc lún phún trên khuôn mặt, giọng nói ồm ồm, những cơ bắp nảy nở ở bầu ngực. Càng căng thẳng với sự thay đổi của cơ thể, An càng tìm cách chống đối bằng cách nuôi tóc dài, sơn móng tay và xỏ khuyên tai như cách những cô gái mới lớn đang làm. Những lời mắng chửi của bố mẹ cùng với sự dè bỉu, xa lánh, trêu chọc của bạn bè khiến cậu rơi vào tâm trạng buồn chán, lo âu, mất ngủ, hay cáu giận, nổi khùng. An được đưa vào bệnh viện Tâm thần và bác sĩ chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Nhưng qua quá trình điều trị, vị bác sĩ phát hiện ra, cậu bé thực sự mắc chứng "muộn phiền giới"- một rối loạn tâm thần thường gặp ở những người chuyển giới.
Đó là những người bẩm sinh là nam giới nhưng luôn khao khát trở thành nữ và ngược lại. Khi quan sát thấy đặc điểm cơ thể của giới tính lúc sinh quá thô kệch, quá gây khó chịu xung đột với giới tính mong muốn, như lông râu hay dương vật trên cơ thể một người chuyển giới nữ hay như bầu ngực căng tròn trên cơ thể vốn được người chuyển giới nam mong muốn là nam tính. Ở cả hai tình huống ấy, người chuyển giới đều có cảm nhận "không thể hay khó thể chấp nhận" có sự tồn tại của bộ phận kia trên cơ thể mình. Một ví dụ khác nữa là về các thể hiện giới tương ứng với giới tính mong muốn như trang phục, mái tóc, ngôn hành và cử chỉ, nếu trong bối cảnh bị cản trở và không thể thể hiện chúng ra bên ngoài, người chuyển giới sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu, căng thẳng.
Ảnh: L.G. |
Một người khác, Linh, 27 tuổi, bẩm sinh là nữ giới, nhưng ngay từ nhỏ, cô luôn khao khát mình trở thành một cậu bé. Trong khi các bạn cùng lứa chơi búp bê, mặc váy, thì Linh bị hấp dẫn bởi những trò chơi cảm giác mạnh như đua xe đạp, đá bóng, trèo cây. Linh ăn mặc như con trai, tóc cắt ngắn, và trở thành người chơi bóng rổ giỏi nhất trường cấp 3. Các môn khoa học tự nhiên, vốn là thế mạnh của bạn nam, cũng là những môn học Linh thể hiện xuất sắc. 18 năm đi học, khoảnh khắc sung sướng nhất của Linh là được đóng giả vai nam trong vở kịch "Hamlet" biểu diễn trong cuộc thi tài năng học đường. "Được khoác bộ quần áo nam, nói giọng nam, thể hiện hành động, cử chỉ nam tính, là giây phút thoải mái nhất", Linh nhớ lại.
Nhưng con đường dẫn đến khoảnh khắc hạnh phúc đầy sỏi đá. Trước đó, bố Linh, một người có tiền sử nghiện rượu, đã đốt hết quần áo tomboy, đồ chơi ô tô, xếp hình, đồng thời chửi rủa "nếu biết trước mày ngang ngạnh như thằng con trai, thì tao đã bóp chết từ trong trứng". Đến trường, với xu hướng nam tính, Linh bị bạn gái xa lánh, còn các bạn trai thì coi thường, bắt nạt. Sự căng thẳng triền miên đã đẩy Linh rơi vào bệnh trầm cảm, đỉnh điểm là sau sinh nhật 18 tuổi, Linh đã tự sát nhưng may mắn được cứu sống.
Theo số liệu mới nhất trong báo cáo về tỷ lệ tự tử của nhóm người chuyển giới ở Mỹ, thực hiện bởi Viện Williams Institute kết hợp cùng Tổ chức Phòng chống tự tử Hoa Kỳ, 4,6% dân số từng có hành vi tự chấm dứt cuộc sống của mình. Chỉ số này tăng lên 10 - 20% ở nhóm đồng tính và song tính, và đạt 41% ở nhóm chuyển giới. Điều này có nghĩa là cứ 10 người chuyển giới thì có tới 4 người từng có hành vi tự sát, con số này thực sự khiến giới chuyên môn phải sửng sốt và lo ngại.
Tỷ lệ nguy cơ cao bị trầm cảm ghi nhận được là 46% trên nhóm người chuyển giới tham gia nghiên cứu của tổ chức Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng sức khoẻ nam giới và cộng đồng (Center for Applied Research on Men and Community Health - CARMAH) ở Việt Nam năm 2015. Trầm cảm được xem là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ý định và hành vi tự tử, do vậy, chỉ số này cũng có tính báo động cao về nguy cơ tự tử trong nhóm chuyển giới.
Đặc biệt trong xã hội còn nặng tính truyền thống, bảo thủ như ở Việt Nam, chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử, những định kiến trong tư tưởng, văn hoá xã hội là nguyên nhân đẩy người chuyển giới đến bước đường cùng và tìm đến cái chết như một cách giải thoát. Gia đình không chấp nhận, các hành vi chế nhạo, bắt nạt, bạo lực và gây tổn thương của người đời, khiến người chuyển giới bị cô lập xã hội, lòng tự trọng thấp, nhận dạng tính dục/giới tính tiêu cực, trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm thần khác.
Một vài chuyên gia trong lĩnh vực chuyển giới phân tích: "Tất cả các can thiệp nhằm làm thay đổi và "cải tạo" người chuyển giới đều hoàn toàn không có hiệu quả, mà ngược lại chúng chỉ đem đến cho người chuyển giới thêm áp lực, sự cách ly và cô lập, nỗi đau khổ tuyệt vọng và xa hơn là đẩy họ đến hành vi tự tử. Cách giải quyết triệt để và rốt ráo cho tình trạng này là sự thay đổi trong nhận thức xã hội về người chuyển giới, sự tháo gỡ và tiêu diệt những kỳ thị và định kiến. Chỉ khi hoàn toàn được chấp nhận, người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung mới có thể có được đời sống hạnh phúc, điều mà bất kỳ ai trên đời này đều cần có và có quyền mưu cầu cho mình".
Để chữa trị chứng phiền muộn giới, các bác sĩ đưa ra tiêm homorne và phẫu thuật chuyển giới. Người làm phẫu thuật chuyển giới phải ít nhất 18 tuổi và trước khi thực hiện phẫu thuật phải trải qua một thời sống vài tháng với giới tính mà họ mong muốn chuyển thành để chắc rằng đó là cuộc sống mà họ muốn. Đa số những người thực hiện phẫu thuật chuyển giới xong, nhiều năm sau cho biết họ sống rất tốt, biểu hiện tích cực. Các bài kiểm tra tâm lý cũng cho thấy với những người hoàn toàn phẫu thuật xong thì mức độ trầm cảm và lo lắng giảm dần so với những người chưa làm phẫu thuật. Phẫu thuật chuyển giới chính là cách giải tỏa nỗi muộn phiền về giới tính và khiến cho những người đó có thể hòa nhập tốt hơn.
Ảnh: L.G. |
Để được sống thật với danh tính của mình, An đã chấp nhận trải qua hai ca đại phẫu đau đớn bao gồm nâng ngực và cắt bỏ cơ quan sinh dục nam, tạo hình cơ quan sinh dục nữ thay thế. Nhớ lại cuộc phẫu thuật ngực tại một cơ sở tư nhân tại TP Hồ Chí minh, An không thể quên cảm giác "xé tan lồng ngực" khi bác sĩ tách lớp cơ ngực và đặt túi silicon vào đó. Một tháng sau hậu phẫu là chuỗi ngày cực hình khi cô phải mặc chiếc áo ngực định hình chật cứng, quấn bên ngoài là một chiếc nịt để ngực không bị xô lệch. Không thể ngủ cũng không thể thở, nhưng An không dám tháo ra vì sợ bộ ngực mới làm bị hỏng. Mỗi ngày, cô đau quằn quại khi phải dùng thuốc vệ sinh đường rạch giữa quầng vú để tránh nhiễm trùng.
Cuộc phẫu thuật tạo lỗ âm đạo được thực hiện ở Thái Lan với chi phí bao trọn 400 triệu. An lên bàn mổ với tâm lý "được ăn cả, ngã về không", nếu gặp tai biến thì cô sẽ vĩnh viễn biến mất, còn thành công thì An sẽ được tái sinh là đàn bà, như ấp ủ bấy lâu. An nhớ lại sau một giờ gây mê phẫu thuật, cô tỉnh dậy thấy băng trắng bụng, hàm miệng và tay chân co cứng, cơn đau dồn dập ấn đến như muốn "chết đi sống lại".
Ba năm sau phẫu thuật, An phải sử dụng hormone estrogen suốt đời nếu muốn giữ gìn kết quả trọn vẹn. Hormone giúp người chuyển giới nữ có giọng nói trong và cao hơn, tiêu giảm cơ bắp, nở ngực, da dẻ mịn màng và sáng màu hơn. Ngoài ra, An dự định sẽ làm thêm các phẫu thuật thẩm mỹ như bơm môi, cắt mí, độn cằm, hạ xương gò má... để vẻ ngoài xinh đẹp, nữ tính đúng như giấc mơ cô vẫn hình dung. Để sống hạnh phúc với danh tính thực sự, những người chuyển giới như An đã phải đánh đổi những cái giá rất đắt, trong đó rủi ro nhất là các nguy cơ sức khỏe.
Như GS.TS.BS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Saint Paul) cho biết: "Hormone ngoại sinh khi được sử dụng ở cơ thể của một người khác giới sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ cùng nhiều tác dụng phụ. Cụ thể, chúng sẽ tác động tới não, tim mạch cũng như ảnh hưởng tới chức năng của thận. Những người chuyển giới sẽ phải chấp nhận việc tuổi đời của họ sẽ ngắn hơn rất nhiều so với người bình thường do sử dụng hormone".
"Nhưng tôi bằng lòng để được trở về mình đúng nghĩa", An nhấn mạnh. Với cô, sống ở trên đời không đo đếm bằng số năm, mà được tính bằng việc bạn được sống hạnh phúc với con người thực và đóng góp cho xã hội.
Bảo ChâuXem thêm: /581326-ioig-neyuhc-iougn-hna-ma-neihp-noum-gnuhC/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna