Nói chung tôi tin rằng, về mặt tâm lý người Việt không ưa con dê lắm. Ví dụ như các cụm từ "máu dê", "dê xồm", "dê già"... được nghe thấy hàng ngày. Những từ ngữ này thường chỉ mức độ ham muốn thái quá của đàn ông về tính dục và thường được phát ra từ phụ nữ, nhưng điều này có đúng là sự tệ hại nếu nhìn nhận từ chính đặc tính sinh học của loài dê?
Nhà tôi trước kia có nuôi gà và tôi đã quan sát, một đàn gà mái độ bốn năm con thì cần ít nhất một con gà trống để đảm bảo các quả trứng được thụ tinh để có thể nở ra các chú gà con. Tôi cũng đã hỏi ông chú tôi, một người chuyên nuôi dê để muốn biết, một con dê đực có thể "kham" được bao nhiêu con dê cái để đảm bảo chúng mang bầu và sinh con khỏe mạnh. Ông chú tôi bảo rằng một con dê đực khỏe mạnh có thể "gánh" được mười lăm, hai mươi con dê cái, biến chúng thành mẹ và đẻ ra lũ dê con. Vậy là so sánh đơn giản nhất với giống gà, loài dê có năng suất gấp ba! Nếu xét về mặt kinh tế thì đó rõ ràng là điều có lợi và vượt trội so với các loài khác.
Chắc chắn từ xa xưa, người ta đã phát hiện ra khả năng đáng nể của dê đực nên những câu ca dao kiểu như:
"Bươm bướm mà đậu cành bông
Đã dê con chị, lại bồng con em".
Hoặc như trong thơ Hồ Xuân Hương:
"Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa...".
Là trực diện hoặc ngầm ý chê trách thói trăng hoa hoặc sự ham muốn quá mức của đàn ông về ái tình.
Nhưng đấy người ta chỉ nhìn thấy một đặc tính của con dê, cụ thể ở đây là dê đực và ít nhiều thiên kiến về nó. Về mặt sinh học, khả năng duy trì nòi giống và ham muốn mạnh mẽ là ưu điểm hơn là nhược điểm. Quay lại cái ý đầu bài rằng các chí sĩ phương Đông rất thích nuôi dê bởi chúng là giống động vật dễ nuôi, sinh trưởng và phát triển nhanh.
So với các loài như trâu bò, dê lớn nhanh hơn và ăn tạp hơn so với các loài khác. Nuôi một đàn dê mang lại lợi ích kinh tế cao, dễ nuôi, lớn nhanh, chóng thành thục. Một con dê nuôi khoảng bảy tám tháng đã phát dục và người nuôi sẽ mau chóng có một đàn lớn. Chính vì thế dân gian đã tổng kết một câu khác về loài dê, một ví dụ rất hiếm hoi công nhận những ưu việt của chúng:
"Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng".
Nghĩa là loài dê cực dễ nuôi, nhà nghèo khó, ít vốn liếng thậm chí phải vay mượn cũng có thể khá lên rất nhanh nhờ nuôi dê. Nhưng không phải vì thế mà những định kiến về giống loài có thể loại bỏ được.
Loài dê còn phải hi sinh nhiều hơn nữa trong văn hóa phương Tây, nó là con vật bị mang ra hiến tế nhiều nhất: "con dê tế thần". Lại có một câu hỏi tiếp theo được đặt ra là tại sao dê phải mang đi tế thần chứ không phải con vật khác. Làm nhiệm vụ tế thần là sứ mạng vẻ vang hay vì những đặc tính xấu xa của mình dê đã bị chọn làm vật phải hi sinh?
Nhưng ngay trong loài dê, đã có một sự bất công rất lớn về giới tính và ngược với truyền thống thông thường. Dê cái được coi là những con vật có đức hi sinh và sự cần mẫn, thậm chí một con dê cái đã được coi là nhũ mẫu của thần Zeus, chúa tể của các vị thần phương Tây. Trong khi dê đực, dường như cả văn hóa phương Tây và phương Đông đều có cái nhìn khắc nghiệt về nó.
Tôi lại nhớ một câu chuyện nữa về con dê mà từ xa xưa người ta đã mặc định là ưa dâm dục và gắn nó với những đặc điểm gần gũi. Đó là Tấn Võ đế của nước Trung Hoa xưa có rất nhiều phi tần. Có lẽ vì khó lựa chọn vị phi tần nào để ân sủng mỗi đêm, ông ta liền chọn một con dê kéo xe (dương xa) đi trong hậu cung và nếu như con dê dừng lại trước phòng nào thì nhà vua sẽ nghỉ lại với người đó. Các cung phi vì muốn được nhà vua mưa móc nên thi nhau hái lá dâu non đặt trước cửa phòng vì dê thích ăn loại lá ấy...
Những câu chuyện và huyền thoại kiểu ấy càng xoáy sâu vào đặc tính đáng nhẽ được coi là tốt của dê thì lại được nhìn nhận như một kiểu thái quá, phóng đãng, khó ưa... Dê là loài vật dũng cảm, thông minh và nhanh nhẹn bởi các vách núi dựng đứng hầu như chỉ có loài dê mới có thể leo trèo lên để ăn các loại cỏ và thực vật mọc trên ấy.
Một đặc điểm gây định kiến nữa là loài dê có tiếng kêu be be, dễ gây cảm giác liên tưởng đến những điều không đứng đắn. Cả chỏm râu cong của dê trông cũng rất "bố già" và cặp sừng trên đầu tạo cho dê một dáng vẻ khó lẫn và oai vệ hơn hẳn so với những loài vật ngang kích cỡ như cừu.
Trong xã hội, khá thường xuyên ta sẽ gặp không ít những người mang đặc tính "dê" như một ngụ ý xấu. Thỉnh thoảng lại nghe tin những vụ quấy rối tình dục nơi công sở, lạm dụng trẻ em hoặc những hành động biến thái nơi công cộng hoặc thiếu đứng đắn với người khác giới. Những người có những hành vi ấy sẽ bị lên án hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra các hậu quả hoặc vượt qua những hành xử thông thường. Ham muốn tình dục thái quá hoặc kiểu bệnh hoạn là một hành vi khó được chấp nhận trong cộng đồng và bị kiềm chế bởi các thiết chế luật pháp, nhất là trong các nước phương Đông có truyền thống khắt khe về tính dục.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, sự kìm hãm về dục tính thái quá cũng gây những tác hại ví dụ như trầm uất, mặc cảm hoặc không hứng thú với đối tác. Các vụ hiếp dâm, lạm dụng, các đồ chơi tình dục phát triển tràn lan phần nào phản ánh hiện tượng này. Thậm chí ở một quốc gia khá cởi mở về tính dục như Nhật Bản thì những nghiên cứu gần đây lại cho thấy giới trẻ Nhật khá lười sex, do bị áp lực công việc, họ không còn mấy thiết tha với những hành vi rất bản năng và cũng rất con người này.
Gần đây tôi có trò chuyện với một số người bạn đến vùng núi và được biết trong nhiều gia đình người Mông vẫn còn duy trì truyền thống là có một chiếc giường rất hẹp dành cho hai vợ chồng. Chiếc giường hẹp này rất hữu ích bởi hai vợ chồng có cãi nhau hoặc bất hoà thì vẫn phải ôm lấy nhau để ngủ, nếu không sẽ rơi xuống đất! Tất nhiên sự gần gũi về thân thể này không nhất thiết dẫn đến hành vi tính dục nhưng nó là một cơ hội và mời gọi những khả năng rất rộng mở.
Cũng nên biết thêm một thông tin rất đáng chú ý nữa là tỉ lệ những vụ ly hôn do không hoà hợp về mặt tình dục ngày càng cao. Một sự chênh lệnh đáng kể giữa nam nữ về tần suất, ham muốn hoặc sự hài lòng về quan hệ sinh lý thường dẫn đến những bất ổn trong gia đình. Và mọi người đều biết rằng nếu đời sống tình dục được hài hoà thì những mâu thuẫn giữa vợ chồng, bạn tình sẽ được hoá giải đi đáng kể. Sex ở liều lượng thích hợp có lợi cho sức khoẻ thể chất và tinh thần là điều đã được khoa học chứng minh.
Cho nên, nếu một người có những ham muốn mạnh mẽ thì cũng không cần phê phán thái quá. Vấn đề là anh ta giải quyết những ham muốn của mình như thế nào, trong khuôn khổ đạo đức và pháp luật cho phép. Bất cứ sự kìm hãm khắc nghiệt nào cũng gây nên hậu quả nhất định. Nếu bị áp lực công việc quá mức, stress nặng nề có thể một ngày nào đó người ta không có nhu cầu sex nữa và điều đó nguy hiểm và bất lợi cho cuộc sống bình thường. Sex là một phần gia vị quan trọng của đời sống vợ chồng và tình yêu nam nữ, vấn đề là chúng ta ứng xử với nó thế nào cho phù hợp với các chuẩn mực của xã hội và luật pháp.
Vậy nên sex là một nhu cầu quan trọng, chính đáng và cần được tôn trọng. Nếu một ngày nào đó chúng ta không còn "dê" được nữa thì có thể chúng ta sẽ trở thành những con robot hoặc những sinh vật rất khác thường.
Và tất nhiên những con dê sẽ không bao giờ quan tâm xem loài người nghĩ gì về chúng. Chúng tiếp tục có tiếng kêu khiêu khích và có một đời sống tình dục rất đáng nể. Đó là sự đa dạng về sinh học mà chúng ta cần tôn trọng cũng như đôi khi ở những khoảnh khắc hay thời điểm nào đó chúng ta cũng cảm thấy mình rất "dê"!
Be!
Uông TriềuXem thêm: /476226-ed-al-ial-oas-iaT-ed-nahc-nouv-eV/mad-nahN/nv.moc.dnac.tcgtna